Kiên Giang có ngư trường lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, sản lượng khai thác thủy sản những năm gần đây tại địa phương liên tục giảm. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các hoạt động đánh bắt mang tính tận diệt. Từ nhiều năm nay, tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ, nghiêm cấm các hành động khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.

Theo chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030 tầm nhìn 2045, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác đánh bắt hải sản theo hướng đánh bắt xa bờ, hạn chế khai thác vùng ven bờ. Tỉnh cũng ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản sang các nghề khác, hỗ trợ ngư dân trong thời kỳ cấm khai thác thủy sản. 

thanh hoa 1.png
Kiên Giang đẩy mạnh phát triển đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức khai thác hải sản theo hình thức đồng quản lý kết hợp với bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ thủy hải sản với ngư dân. Ngoài ra, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, các cảng cá, khu neo đậu tránh bão; Ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo ngư trường, giám sát nguồn lợi thủy sản, tổ chức tốt cảnh báo thông tin ngư trường cho ngư dân; Ứng dụng công nghệ trong cảnh báo thông tin về thời tiết, bão gió để ngư dân nắm được thông tin, hạn chế rủi ro khi đi biển. 

Từ năm 2021, Kiên Giang đã triển khai kế hoạch nuôi biển; Khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản trên cơ sở cân đối giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý, có hiệu quả và phát triển bền vững. Qua đó, Kiên Giang từng bước giảm dần số lượng tàu, sản lượng khai thác để chuyển sang nuôi biển, giảm áp lực khai thác thủy sản ven bờ. Các địa phương trong tỉnh sẽ tăng quy mô, năng suất, sản lượng nuôi biển, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng cư dân ven biển.

Theo mục tiêu năm 2023, xã Sơn Hải (huyện Kiên Lương), phường An Thới (TP Phú Quốc) và  các xã An Sơn, Nam Du (huyện Kiên Hải) hoàn thành việc bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển.  Xã Thổ Châu (TP Phú Quốc), xã Hòn Tre (huyện Kiên Hải) xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển như cá lồng bè, nhuyễn thể...

Năm 2023, giá xăng, dầu thường xuyên biến động nhưng vẫn ở mức cao, tiền nhân công, ngư lưới cụ, các chi phí khác đều tăng làm cho chi phí chuyến biển tăng cao, giảm hiệu quả khai thác. Trước thực trạng đó, các ngành, các cấp trong tỉnh Kiên Giang đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân duy trì hoạt động khai thác và kiên trì bám biển, triển khai quyết liệt và mạnh mẽ việc thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp không khai báo, không theo quy định (IUU) và xử lý vi nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Tuy nhiên, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh tiếp tục giảm, nuôi trồng tuy có tăng nhưng chưa đủ bù đắp cho số sản lượng khai thác sụt giảm. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng giảm nhẹ so cùng kỳ nhưng giá trị vẫn cao hơn cùng kỳ do một số thủy sản có giá trị cao như cua, tôm sản lượng tăng khá cao.

Sản lượng thủy sản (cả khai thác và nuôi trồng): tháng 12 ước đạt 57.721 tấn, giảm 16,57% so với tháng trước và giảm 6,95% so với cùng tháng 10. Tính chung, năm 2023 ước tính 798.319 tấn, đạt 95,04% kế hoạch, giảm 2,86% so với cùng kỳ năm trước.

 Riêng sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 12 ước tính đạt 24.624 tấn, giảm 29,39% so với tháng trước và giảm 1,22% so với cùng tháng năm trước; quý IV năm 2023 ước đạt 104.573 tấn, tăng 3,38% so với cùng quý năm trước. 

Trong thời gian tới, Kiên Giang tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo. Người dân sinh sống ven biển có công ăn việc làm và tăng thu nhập.

Nguyễn Hằng và nhóm PV, BTV