Sản phẩm OCOP đắt khách
Tại diễn đàn, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ nay đến cuối năm tỉnh này có 525.000 tấn cà phê, 1,1 triệu tấn rau củ, 1 tỷ cành hoa, 32.000 tấn sầu tiêng và bơ cần thiêu thụ. Còn tỉnh Đắk Lắk hiện có 20.000 tấn bơ, 100.000 tấn sầu riêng đang bị ứ đọng cần tiêu thụ gấp.
Tương tự, tỉnh Gia Lai trong 3 tháng tới sẽ thu hoạch hàng loạt loại rau, củ như sầu riêng, bơ, mít, nhãn… với sản lượng lên tới hàng trăm ngàn tấn cần nơi thiêu thụ.
Ông Paul Lê, đại diện Central Retail cho biết, để kết nối với 5 tỉnh Tây Nguyên, hệ thống siêu thị sẽ hỗ trợ tất cả các sản phẩm OCOP để đưa đến với người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, Tây Nguyên cũng có nhiều sản phẩm hàng đầu thế giới, do đó doanh nghiệp sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất về bao bì và thương hiệu để tiếp cận tốt hơn với khách hàng nước ngoài.
“Các tỉnh Tây Nguyên là nguồn cung rất lớn cho các siêu thị của Central Retail cả về sản phẩm tươi sống lẫn chế biến và chúng tôi đã có nhiều hoạt động để quảng bá sản phẩm của khu vực này đến trụ sở của Central Retail tại Thái Lan, ví dụ như cà phê sữa đá”, ông Paul Lê khẳng định.
Theo vị địa diện của hệ thống siêu thị này, điều cần làm hiện nay là chúng ta phải hợp tác với nhau để làm sao nâng cao được thương hiệu cho các nông sản của Tây Nguyên. Trong tương lai, phía siêu thị sẽ xây dựng thêm nhiều trung tâm thương mại thương hiệu GO! để giúp người tiêu dùng Đông Nam Á tiếp cận sản phẩm Việt Nam và ngược lại.
Sản phẩm nông sản OCOP ở Tây Nguyên được các doanh nghiệp ưu tiên đặt mua đưa vào hệ thống siêu thị (ảnh: BH) |
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam, cho hay, chuỗi cửa hàng/siêu thị của doanh nghiệp này phát triển sẽ bao tiêu 100% sản phẩm nông sản của Việt Nam, gồm các sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến sâu, dược liệu của Việt Nam.
Thế nên, bà mong muốn liên kết trực tiếp với các hộ kinh doanh, hợp tác xã, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP. Bởi hệ thống cửa hàng, siêu thị của doanh nghiệp đang thiếu rất nhiều nhà cung cấp để đưa sản phẩm hệ thống.
“Việc xét duyệt đầu vào rất đơn giản, chỉ cần sản phẩm đạt chất lượng và tuân thủ quy định của Nhà nước, có hoá đơn giá trị gia tăng là có thể vào hệ thống siêu thị mà không phải trả bất cứ chi phí nào, kể cả chi phí quầy kệ, thủ tục liên quan”, bà Hằng nói.
Công ty Hạt giống và Nông sản Năm Sao tại Hà Nội mong muốn được kết nối với các nhà sản xuất tại Tây Nguyên để có sản phẩm OCOP, sản phẩm hữu cơ bán tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong các khu dân cư, phục vụ bữa ăn trường học, nhà máy tại Hà Nội.
Ngay trong Diễn đàn được tổ chức vào sáng 25/9, một số doanh nghiệp bao tiêu nông sản đã ký kết hợp tác với các địa phương và đơn vị ở khu vực Tây Nguyên. Điển hình như UBND tỉnh Đăk Lăk và UBND tỉnh Kon Tum ký kết hợp tác kết nối cung cầu nông sản với hệ thống siêu thị MM Mega Maket; chuỗi cửa hàng Bác Tôm ký kết hợp tác với UBND tỉnh Gia Lai và Hợp tác xã Thành Đạt (Lâm Đồng); Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm, thuỷ sản Đăk Lăk ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hữu cơ Việt Nam...
Đẩy mạnh hoạt động “chợ phiên trực tuyến”
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối nông sản, đưa các hoạt động đi vào thực chất. Ông cho biết, đây là mong muốn của ngành Nông nghiệp và các địa phương.
Theo Thứ trưởng Nam, diễn đàn là kênh thông tin từ doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương. Tại diễn đàn, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT luôn có mặt, kịp thời xử lý thông tinvề vấn đồ sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản.
“Một trong những mục đích của diễn đàn là để doanh nghiệp hiểu được vùng sản xuất, từ bơ, chanh leo, xoài, sầu riêng có ở đâu, đang gặp vấn đề gì. Chúng ta cần tiếp tục đưa diễn đàn thành chợ phiên thường xuyên của nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà sản xuất”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Do đó, ông yêu cầu các Sở NN-PTNT tiếp tục nắm đầu mối nông sản, và phải “nắm rất rõ” để kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp. Không để tồn tại mâu thuẫn là địa phương nói còn hàng rất nhiều, nhưng doanh nghiệp lại kêu thiếu nguyên liệu sản xuất.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng khẳng định luôn hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp, địa phương chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
“Qua 2 tháng hoạt động, chúng tôi rút ra được rất nhiều bài học. Dù dịch bệnh, khó khăn khi qua trạm kiểm soát, nhưng nếu doanh nghiệp có liên kết sản xuất thì vẫn bao tiêu bình thường cho nông dân ở vùng nguyên liệu”, Thứ tưởng nói.
Liên quan đến vấn đề tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Nam cho biết,nguồn hàng nông sản rất lớn, song vấn đề về logicstic cần chính quyền vào cuộc với tinh thần “khó ở đâu gỡ đó”.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng toàn thế giới, ông lưu ý ngành nông nghiệp và các địa phương về việc nhu cầu nông sản của các nước đang tăng, do đó việc đáp ứng nguồn nguyên liệu là rất quan trọng.
Hà Giang