Sáng 29/11, sau khi nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 92,91 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Mặc dù trong 3 năm qua, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia bám sát mục tiêu Quốc hội đề ra tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu như việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương còn chậm, số lượng văn bản ban hành nhiều, một số nội dung chưa rõ ràng, khó thực hiện; việc giải quyết một số kiến nghị, vướng mắc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Cơ chế phối hợp Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp chưa chặt chẽ; mô hình tổ chức, bộ máy giúp việc ở địa phương chưa thực sự hiệu quả. Một số cơ chế đặc thù chậm được ban hành hoặc chưa cụ thể hóa đầy đủ các yếu tố đặc thù dẫn đến vướng mắc trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

W-dienveban.png
Nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa bắt đầu thụ hưởng lợi ích từ Chương trình MTQG 1719

Do vậy, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Nghị quyết quyết nghị, cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và việc thực hiện, giải ngân số vốn được kéo dài nêu trên bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện thanh toán, quyết toán vốn ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn; trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó, Quốc hội Giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành và địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc các đề xuất, kiến nghị, khắc phục tồn tại, hạn chế đã nêu trong Báo cáo số 550/BC-ĐGS ngày 21 tháng 10 năm 2023 của Đoàn giám sát, đồng thời thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền các quy định, cơ chế, chính sách về nội dung còn thiếu hoặc chưa phù hợp, nhất là các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giảm thủ tục hành chính, đầu tư và sử dụng các nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thêm vào đó, cần tập trung giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao hiệu quả đào tạo nghề tại các huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải quyết những bất cập của Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ đối với các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tiếp tục đổi mới việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh vào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Sớm xây dựng, ban hành chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030;

Đồng thời, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp cho phù hợp với tình hình thực tiễn, bao gồm việc xây dựng, ban hành tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Kết luận số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Tiếp tục đánh giá mô hình Ban Chỉ đạo, cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp, làm rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, cơ quan chủ Chương trình, người đứng đầu các Bộ, ngành liên quan, địa phương và các cơ quan tổ chức khác đối với những tồn tại, hạn chế do chủ quan, xem xét, xử lý theo quy định; kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương trong việc quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Ngoài ra, cần hoàn thành hệ thống đánh giá, giám sát các Chương trình mục tiêu quốc gia để trao đổi, phản hồi, kết nối kịp thời, công khai, minh bạch và đăng tải trên trang thông tin điện tử từ cơ sở đến huyện, tỉnh, Bộ, ngành Trung ương về tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. .

Hồng Linh