Thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2023-2025, xác định tiềm năng và lợi thế, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, nhất là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững; góp phần xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh.
Theo đó, tỉnh Sơn La đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù tại các huyện, thành phố có tiềm năng du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh…
Để thực hiện các mục tiêu trên, Sơn La sẽ tập trung phát triển, nâng cao chất lượng điểm du lịch, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng mô hình du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững; phát triển các sản phẩm du lịch mới.
Bên cạnh đó là xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo các nhóm, như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề,... trong đó, ưu tiên các mô hình gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương; bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người DTTS, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Khuyến khích mỗi huyện, thành phố xây dựng từ 1 đến 2 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch…; tổ chức quảng bá, giới thiệu, kết nối và xúc tiến thị trường du lịch nông nghiệp, nông thôn, thông qua các sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối cung - cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn ít nhất 1 lần/năm; lồng ghép giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện quảng bá du lịch của tỉnh, các chương trình kết nối nông sản gắn với quảng bá, tuyên truyền sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tăng cường áp dụng chuyển đổi số trong xây dựng các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là số hóa các điểm đến, tổ chức các hoạt động trải nghiệm du lịch nông thôn áp dụng thực tế ảo. Xây dựng các ấn phẩm, chương trình truyền hình, mạng xã hội như Youtube, Zalo, Facebook, TikTok,… nhằm giới thiệu các điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch tỉnh Sơn La đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trải nghiệm của du khách, đồng thời thúc đẩy phát triển ngành du lịch theo hướng thông minh, bền vững. Trong đó, một trong những ứng dụng quan trọng là số hóa thông tin du lịch.
Hiện nay, nhiều điểm tham quan ở Sơn La đã được đưa lên các nền tảng số, giúp du khách dễ dàng tiếp cận và tra cứu thông tin. Các website và ứng dụng du lịch cung cấp đầy đủ thông tin về các điểm đến, lịch trình tham quan, thời tiết, và các dịch vụ đi kèm. Bản đồ số và công cụ chỉ đường được tích hợp vào các ứng dụng, giúp du khách tự định vị và lên kế hoạch cho chuyến đi của mình một cách dễ dàng. Nhờ đó, các hoạt động du lịch trở nên chủ động và thuận tiện hơn, đặc biệt đối với du khách lần đầu đến Sơn La.
Sau khi phần mềm du lịch thông minh “Mộc Châu Tour” được vận hành, mới đây tại huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) lại tiếp tục ra mắt phầm mềm du lịch thông minh “Quỳnh Nhai Tour”. Với các tính năng nổi bật, như đặt dịch vụ du lịch trực tuyến; thông tin du lịch chi tiết; tính năng hướng dẫn ảo; công cụ hỗ trợ doanh nghiệp… giúp du khách tìm kiếm thông tin, tạo lộ trình du lịch, đặt chỗ khách sạn và trải nghiệm các dịch vụ du lịch của huyện Quỳnh Nhai một cách thuận tiện và nhanh chóng thông qua hình ảnh, video, trí tuệ nhân tạo AI...
Việc cho ra mắt và vận hành các phầm mềm du lịch thông minh nhằm góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng du lịch số tỉnh Sơn La một cách bền vững, chuyên nghiệp; giúp các doanh nghiệp du lịch khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch địa phương, đồng thời tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn. Nhất là góp phần trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh, qua đó đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh.
Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Qua đó, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời đa dạng các ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập của người nông dân… góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới hiệu quả và bền vững.