Không thể phủ nhận độ tiện dụng mà đồ nhụa mang lại cho cuộc sống con người nên chúng đã hiện diện ở mọi nơi xung quanh chúng ta. Từ những vật dụng nhỏ bé hàng ngày như: túi nilon, ống hút , hộp đựng thực phẩm... Thế nhưng, đằng sau sự tiện dụng đất là một mối nguy hại cho cả thế giới loài người.

Do tính chất khó phân hủy nên ngay cả khi được thu gom đưa đi chôn lấp vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm năm làm thay đổi tính chất vật lý của đất, đồng thời gây ô nhiễm môi trường đất, làm đất không giữ được nước dẫn đến tình trạng xói mòn, thiếu dinh dưỡng và oxi, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng.

Đặc biệt, nếu xử lý rác thải nhựa không đúng cách còn là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, tạo ra hiệu ứng nhà kính và làm ảnh hưởng một cách tiêu cực đến đời sống con người và các sinh vật sống.

W-racthai.png
Do tính chất khó phân hủy nên ngay cả khi được thu gom đưa đi chôn lấp vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm năm.

Hàng triệu tấn chất thải nhựa sẽ tiếp tục tồn tại hàng thế kỷ dưới đại dương, gây tổn thương hệ san hô, làm biến đổi môi trường sống và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Hiện nay, những “đại dương ngập rác” đã giết chết 1,5 triệu động vật mỗi năm và loài người vẫn chưa có giải pháp nào xử lý được. Chúng cũng làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, gây độc hại cho môi trường. Khi bị đốt, chúng tạo ra khí thải có chứa dioxin và furan - những chất tồn tại lâu dài và kịch độc đối với sự sống.

Thống kê cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nylon/tháng. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nylon. 

Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới, Việt Nam đã và đang tích cực hành động mạnh mẽ. Về mặt luật pháp, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (năm 2015), Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014), các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và đặc biệt là Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa nói chung và trên biển nói riêng.

Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.

Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để quản lý, hạn chế, giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa đại dương. Cụ thể: 

Đến năm 2025: Giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa; Thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 5 lưu vực sông chính tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và tại các đảo có tiềm năng phát triển du lịch thuộc 12 huyện đảo.

Và, đến năm 2030: Giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa; Mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo.

Sau gần 4 năm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, nhìn chung đã có nhiều chuyển biến tích cực ở các doanh nghiệp và địa phương. Số lượng sử dụng túi ni lông ngày một giảm và các hoạt động về tuyên truyền, nâng cao nhận thức ngày càng được nhân rộng và duy trì ở các địa phương khác nhau.

Nhóm PV