Chị Trần Thị L. ở huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng là một trong những nạn nhân từng bị mua bán. Vì cả tin, nghe theo lời rủ rê, hứa hẹn yêu đương của đối tượng quen trên mạng xã hội, chị sang biên giới với mong muốn xây dựng lứa đôi và đổi đời. Tuy nhiên, chị không ngờ, người mình gửi gắm cả trái tim lại nhẫn tâm bán chị cho những kẻ buôn người. 

Trải qua những tháng ngày khổ nhục bên xứ người, người phụ nữ này được giải cứu trở về. Với các chính sách của địa phương, chị được đi học nghề và hiện có công việc ổn định, thu nhập khá. Cách đây 3 năm, bỏ lại quá khứ đau buồn, chị nên duyên với người đàn ông làm nghề lái taxi và xây dựng được mái ấm nhỏ.

Chị L. là một trong những nạn nhân bị mua bán có cơ hội trở về, song còn rất nhiều trường hợp khác không được may mắn như vậy. Có những người trở về nhưng bị ảnh hưởng, tổn thương rất lớn về tinh thần, sức khỏe… gây ra gánh nặng cho chính gia đình và xã hội. Vì vậy, công tác phòng, chống mua bán người cũng như hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về được các cấp, các ngành của Thành phố Hải Phòng quan tâm, chú trọng và triển khai nhiều giải pháp.

mua bán người hải phòng.webp
Công tác tuyên truyền có vai trò lớn trong phòng, chống mua bán người. 

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng đã tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người. Do đó, nhận thức về phòng, chống mua bán người của người dân ngày càng được nâng cao, góp phần phòng ngừa tội phạm mua bán người và các tệ nạn xã hội. 

Năm 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tổ chức 1 lớp tập huấn và 54 buổi tuyên truyền phòng, chống mua bán người lồng ghép với tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội các quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn; viên chức thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tại Trường Lao động xã hội Thanh Xuân; Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng. 

Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các quận, huyện phối hợp với các phòng, cơ quan, đơn vị, UBND các phường, xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người trên hệ thống truyền thanh của các địa phương, Cổng thông tin điện tử quận, huyện và các hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại các địa bàn cho hội viên và cộng đồng dân cư; lồng ghép nội dung Chương trình phòng, chống mua bán người với thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị, kịp thời phổ biến các chính sách, pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh về phòng, chống tội phạm mua bán người.

Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tập trung vào các nhóm đối tượng nguy cơ cao, thực hiện tốt công tác phòng, chống mua bán người. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về cơ sở vật chất, dịch vụ để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực về công tác phòng chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội tại các quận, huyện, xã, phường, thị trấn.

Nghiêm túc quán triệt, triển khai Công văn 1991/BCA-V01 (12/6/2024) của Bộ Công an về việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 năm 2024, Công an thành phố Hải Phòng tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc Công an thành phố về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng.

Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người hướng đến cơ sở và các đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người (phụ nữ, học sinh, sinh viên...) với nhiều nội dung, hình thức phong phú.

Phòng Tham mưu chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương, tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an, Ban Chỉ đạo 799 thành phố về phòng, chống mua bán người gắn với các hoạt động hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7.

Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương xây dựng và triển khai quyết liệt các kế hoạch, phương án phòng, chống mua bán người. Chủ động nắm chắc tình hình, dự báo sát, giải quyết tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tập trung rà soát, đấu tranh triệt phá, điều tra làm rõ các đường dây tội phạm mua bán người và các tội phạm khác có liên quan.

Phát huy hiệu quả mô hình Phòng Điều tra thân thiện phục vụ công tác điều tra, lấy lời khai đối với nạn nhân là trẻ em nhằm ổn định tâm lý, tạo niềm tin vào cơ quan chức năng và không để tái tổn thương nạn nhân trong quá trình giải quyết vụ việc.

Tiếp nhận kịp thời tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến các vụ việc mua bán người, khẩn trương xác minh, điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân; bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, phân loại, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%; tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu mà Ban Chỉ đạo 799 thành phố đề ra trong Kế hoạch phòng, chống mua bán người năm 2024.