Trong những năm qua, Bộ Tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng đã luôn chú trọng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế: Tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý cũng như nâng cao chất lượng phục vụ tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

muasam.png

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới vì những đóng góp to lớn đối với tăng trưởng kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát những năm vừa qua. Có thể nói, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, TMĐT ngày càng phát huy được lợi thế, trở thành một phương thức kinh doanh mới và phổ biến trên phạm vi toàn cầu.

Tại Việt Nam, hoạt động TMĐT hiện đang trong giai đoạn bùng nổ với tăng trưởng hằng năm ở mức rất cao. Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Google đã đưa ra những nhận định về khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Thực tiễn này đòi hỏi cần có những thích ứng phù hợp, kịp thời, không chỉ nhằm quản lý hiệu quả mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động TMĐT đồng thời tạo sân chơi bình đẳng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và hoạt động kinh doanh TMĐT, giữa hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng đó, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã hết sức nỗ lực, sáng tạo, chủ động nghiên cứu đề xuất triển khai khẩn trương các giải pháp, cụ thể như: Tham mưu xây dựng hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Với mục tiêu lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ, quyết tâm, nỗ lực cao của ngành thuế và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là các NCCNN, việc đưa vào vận hành Cổng TTĐT dành cho NCCNN cũng như triển khai ứng dụng eTax Mobile của ngành thuế sẽ tạo tiền đề tốt để ngành thuế nói riêng và ngành tài chính nói chung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Với đặc thù của các nhà cung cấp ở nước ngoài là không có cơ sở thường trú ở Việt Nam, các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua môi trường số và trên các ứng dụng internet... Do đó các hình thức đăng ký, kê khai, nộp thuế truyền thống như trước đây sẽ không còn phù hợp và khó thực hiện.

Để đáp ứng tốt tình hình mới, nâng cao hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các NCCNN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với NSNN Việt Nam trong quá trình kinh doanh, Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu, xây dựng cổng thông tin dành riêng cho NCCNN. Đây không chỉ là địa chỉ để NCCNN thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế mà còn là nơi NCCNN có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế và các chính sách pháp luật liên quan về lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đã chủ động nghiên cứu, mở rộng các hình thức hỗ trợ cho người nộp thuế, đặc biệt là các cá nhân, hộ kinh doanh, nhằm hỗ trợ tối đa, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho họ dễ dàng tra cứu, tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách pháp luật thuế, nghĩa vụ thuế phải thực hiện của mình và thực hiện nộp thuế một cách đơn giản, dễ dàng và thuận tiện nhất với ứng dụng eTax Mobile.

Việc ngành thuế mở rộng thêm các kênh giao tiếp nhằm hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi không những tạo thuận lợi cho người dân mà còn góp phần hạn chế tiếp xúc xã hội trong bối cảnh dịch bệnh và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngọc Ánh