- Nhà giáo Tùng Sơn gửi tới VietNamNet bài viết nhằm làm rõ vấn đề tại sao những giáo viên có lớp dạy thêm vẫn dạy trước chương trình, dù biết đó là điều không tốt cho trẻ.
VietNamNet xin được giới thiệu bài viết này.
Vì sao trẻ thích học trước chương trình?
Con người nói chung luôn thích khám phá những vấn đề mới. Lứa tuổi học trò có độ tò mò, ham khám phá mạnh mẽ hơn người lớn. Đây là đặc diểm tâm lí nổi bật của trẻ.
Khi đi học, trẻ không cần quan tâm bao giờ tiếp cận cái mới, điều đó là thích hợp. Các con chỉ thấy học cái mới thú vị hơn ôn bài cũ. Bài cũ thường là những bài tập đã từng học rồi. Dù cô có mở rộng nâng cao thì vẫn là bài kiến thức cũ.
Phải cô nào thật khéo dạy, luôn tạo ra cảm hứng, mới thu hút học sinh miệt mài giải bài tập mỗi ngày một khó dần. Nhưng điều đó rất khó, vì trong một lớp trình độ học sinh không đồng đều, khó với học sinh này nhưng lại quá dễ với học sinh khác, nên việc mở rộng và nâng cao rất kém hiệu quả với lớp dạy thêm đa trình độ.
Phụ huynh thì sao?
Nhiều phụ huynh thừa biết là không nên học trước chương trình nhưng chiều theo ý con. Đa phần phụ huynh cho rằng học trước chương trình không ảnh hưởng lắm đến hiệu quả học tập sau này. Cũng lại có nhiều phụ huynh còn cho rằng học trước chương trình tốt hơn.
Các bậc cha mẹ đó quan niệm rằng học hai lần tốt hơn học một lần, cái gì làm đi làm lại cũng tốt. Mà đúng là tốt thật vì con đi học về luôn khoe điểm cao. Chỉ có bài tập trong sách giáo khoa như thế, làm đi làm lại nên cả năm đi học con luôn điểm có điểm 9-10 là đương nhiên.
Số phụ huynh còn lại thì tặc lưỡi thế nào cũng được. Họ chỉ biết đi làm, con cái gửi cô, cô dạy cũ hay mới đều được.
Phải dạy mới vì chiều theo ý “thượng đế”
Đã từ lâu rồi, chẳng ai bảo ai, chiều theo thị hiếu của các thượng đế - đón học sinh vừa qua lớp 5 thì hè cô phải dạy sách lớp 6, đón học sinh vừa qua mầm non thì đương nhiên cô phải dạy trước âm vần lớp 1. Qua 3 tháng hè, các con đã đọc viết làu làu, cha mẹ thích thú vô cùng…
Trong khi các đồng nghiệp đều dạy cái mới để thu hút học sinh, cô nào không làm thế sẽ đi ngược lại “xu hướng của thời đại” và lập tức "ế khách". Trong cùng một làng, một xã, trẻ thường hỏi nhau cô nào dạy mới, cô nào dạy cũ. Những buổi đầu mới đón trẻ vào học, các cô càng phải thể hiện kiến thức mới để "chiều khách".
Kinh nghiệm cho thấy, nếu những ngày đầu chưa dạy mới ngay, bọn trẻ kháo nhau: “Cô A, cô B toàn dạy cũ, chán ghê. Cô C, cô D dạy mới thích lắm”. Và ngay ngày mai, bọn trẻ có lựa chọn “sáng suốt” là bắt ba mẹ đưa đến nhà cô giáo dạy bài mới mà chúng đã biết qua "hệ thống truyền thông học hè" của lũ trẻ.
Học trước chương trình có hại không?
Về mặt sư phạm, trẻ học trước chương trình không những tự làm hỏng mình trong lớp học mà còn làm ảnh hưởng tới các bạn và ảnh hưởng tới hoạt động học tập của nhóm, lớp.
Thật vậy, vào năm học, đứng trên bục giảng nhìn xuống, em nào học trước chương trình rồi thầy cô nhận ra ngay. Những học sinh này có biểu hiện rất rõ: Vẻ mặt dương dương tự đắc, tìm cách làm việc riêng, kiếm cớ trêu bạn bè, không tham gia vào hoạt động nhóm… Và có một nét nổi bật là các học sinh này không cần nghe giảng mà vẫn làm được bài. Tuy nhiên, các em chỉ làm được bài ở mức độ áp dụng công thức chứ không biết liên hệ, vận dụng gì cả. Và đương nhiên, vì thiếu kiến thức căn bản nên việc mở rộng nâng cao là rất khó rất khó.
Lấy ví dụ, khi học các bài về phân số, những học sinh chỉ học một lần, nhưng đúng bài bản sẽ dễ dàng nói “Mỗi cái bánh được cắt đều 4 phần, em lấy 1 cái bánh và lấy thêm 1 miếng ở cái bánh thứ hai. Em được 5/4 cái bánh và em có nhiều hơn 1 cái bánh. Vậy 5/4>1”. Còn những học sinh học hai lần thì nói câu đó rất khó khăn.
Đây chỉ là một ví dụ. Các môn học khác nếu học trước chương trình đều chung tình trạng như vậy.
Có thể nói, việc học trước chương trình trong lớp học thêm khiến học sinh không hiểu cơ sở kiến thức nên rất khó mở rộng và nâng cao sau này. Đây là một tác hại mà cha mẹ học sinh không biết.
Các phụ huynh cứ nghĩ rằng học trước là đi trước đón đầu kiến thức, cứ học đi học lại sẽ giỏi. Kì thực, trong vấn đề này, đón đầu lại hóa tụt hậu về sau.
Tùng Sơn