- Ngoài những đóng góp về vấn đề kiểm tra thi cử, tại hội thảo Đổi mới kiểm tra,
đánh giá môn Ngữ văn trong trường phổ thông mới diễn ra, có những nhà giáo đã
“tranh thủ” chia sẻ về thực trạng dạy và học văn trong nhà trường.
Bỏ thi văn học sinh hò reo hơn bỏ sử
Đây là dự đoán vô cùng bi đát của ông Chu Văn Sơn, khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Có dịp được đi khắp đất nước, được dự nhiều giờ giảng, ông Sơn bày tỏ sự lo ngại về tình trạng dạy và học văn hiện nay.
Ảnh Văn Chung |
"Tôi bi quan nghĩ rồi sẽ đến một ngày môn văn cũng giống môn sử hiện nay. Có năm không thi tốt nghiệp môn sử, học sinh đã xé tài liệu hướng dẫn rải trắng sân trường. Tôi e ngại rằng bây giờ mà không bắt thi môn văn, có thể học sinh còn hò reo hơn thế".
Ông Sơn cho rằng hiện nay chúng ta đang sống trong tình trạng dạy và học văn đầy nghịch lý: Chưa bao giờ người dạy văn Việt Nam được trang bị nhiều kiến thức, phương pháp, được sự hỗ trợ bởi những phương tiện tối tân, đặc biệt là những phương tiện gắn liền với công nghệ thông tin như bây giờ. Đáng ra với điều kiện đó, chất lượng học văn phải cao hơn, học trò yêu văn hơn. Nhưng nghịch lý là chưa bao giờ học sinh chán học văn như bây giờ. “Là người trong cuộc chúng ta không nên né tránh điều này” – ông Sơn chua xót.
Phân tích nguyên nhân, ông Sơn nhìn nhận: Nguyên nhân khách quan nằm ngoài nỗ lực của Bộ và những người trực tiếp đứng lớp. Đó là do sự lên ngôi của công nghệ giải trí, kéo theo công nghệ nghe nhìn, làm văn hóa nghe nhìn chiếm ưu thế, văn hóa đọc bị suy giảm, dẫn tới học sinh không thích học văn.
Nghề không hứa hẹn một công việc tốt
Một nguyên nhân nữa xuất phát từ việc con người ngày nay thực dụng hơn trước. Con cái định thi khối nào, trường gì, bố mẹ đều định hướng. Thực tế nhiều thầy cô dạy văn cũng không định hướng cho con thi vào Khoa văn bởi môn này không hứa hẹn gì về đời sống cao, công việc tốt.
Nhưng còn một thực tế đáng buồn là học sinh không phải chán văn nói chung mà chỉ chán văn trong nhà trường. Ở bên ngoài, các em vẫn thích mua tạp chí, ấn phẩm liên quan đến văn. Thực trạng này nhà trường phải chịu trách nhiệm chính.
Ông Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận việc học sinh chán văn một phần cũng do tâm của người dạy văn so với trước đã khác nhiều. Ngoài một số ít giáo viên đứng lớp còn say mê – để được nói những điều tâm đắc, truyền lửa cho học sinh, thì giáo viên văn bây giờ đứng lớp với những lý do khác nhiều hơn. "Trong lòng thầy cô không có lửa thì làm sao học sinh yêu văn được?".
ThS Nguyễn Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) nhận xét: Đi từ chương trình học mới thấy, điều ngỡ như không phải bàn thì bây giờ thành những nổi cộm khá khốc liệt. Đó là mặc định cũ: Học văn là hay, thầy cô giáo dạy văn thường lãng mạn, bay bổng và giỏi nói. Bây giờ thì sao? Ở nhiều nơi, nhiều lúc, môn văn đã như thuốc gây ngủ với trò? Thầy cô dạy văn sang sảng hoặc rời rạc, nhưng học trò tiết văn như bị cầm tù trong lớp, chỉ chờ giờ nghỉ.
Có người khẳng khái là do chương trình và sách giáo khoa (SGK) chưa hay làm môn văn nhạt và nhảm, làm cụt hứng của người dạy và người học. Nhưng thực tế vẫn cho thấy, theo sát chương trình vẫn có những thầy cô dạy hay, vẫn có những học sinh say học. Tuy vậy, người đổ lỗi cho chương trình vẫn không đuối lý mà càng khẳng định: Đúng là thầy cô giỏi vẫn trụ được chương trình chưa hay. Nếu họ được dạy một chương trình tiến bộ hơn thì còn hay hơn nữa. Mặt khác, số đó trong mỗi nhà trường có mấy người. Và mỗi người có bao nhiêu tiết hưng phấn?
Đổi mới đề không đi vào ngõ cụt?
6 giải pháp đã được ông Sơn đề xuất để thay đổi tình trạng đáng ngại nêu trên.
Trước hết là cần thay đổi triết lý bộ môn. Cần điều chỉnh bằng cách xem văn là môn công cụ có tính nhân văn với mục tiêu chính là bồi đắp lòng nhân ái cho con người, chứ không chỉ là môn học để giáo viên nhồi nhét kiến thức.
Từ đó, chương trình phải là sản phẩm được xây dựng trực tiếp dựa trên triết lý bộ môn đúng đắn. SGK cần được biên soạn ưu việt hơn, loại bỏ những tiêu chí ngoài văn.
Giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy. “Việc học sinh chán học văn là chỉ dấu để chúng ta xem xét mình đã làm gì và phải điều chỉnh. Cách kiểm tra đánh giá của giáo viên cũng cần thay đổi. Và trên hết, là cái tâm của người đi dạy” – ông Sơn nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm với ông Chu Sơn, cô Kim Anh bàn sâu hơn về chương trình dạy: Trước nay người dạy chỉ say sưa hoặc cố dạy đầy đủ kiến thức bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận. Đa số học sinh cũng chỉ biết Huy Cận có “Tràng giang” nên thấy rằng thơ cổ điển sâu xa nhưng buồn mênh mang, khó đồng điệu. Nếu học Xuân Diệu, học sinh tự tìm thêm thơ Xuân Diệu để đọc thì học Huy Cận học sinh ít háo hức tìm thêm thơ Huy Cận xem thế nào. “Tràng giang” hay nhưng chưa thực gần với tâm lý lứa tuổi học trò. Nếu cứ buộc phải học thì nhiều trò thấy nản mệt.
Các em đâu biết cùng tác giả này còn có “Áo trắng”, còn có “Ngậm ngùi”. Ta đọc và giảng những câu “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song” học sinh cũng “xuôi mái nước song song” luôn. Nhưng khi tôi đọc những câu thơ khác thì chân dung hồn thơ Huy Cận thêm nét tươi trẻ, gần với học trò đã cuốn các trò hơn. Với thơ của Hàn Mặc Tử, cũng còn có những vần thơ cũng hay mà rất khác với “Đây thôn Vĩ Dạ”.
“Vậy thì chương trình thay vì đưa cứng một bài có thể giới thiệu những bài khác và để học sinh tự mê, tự say có hơn chăng?” – cô Kim Anh đặt câu hỏi. Thầy cô thay vì chỉ xoay mãi, dạy hoài thì cũng nên rộng mở và thay đổi để thăng hoa, toả sáng và mới mẻ hơn. “Thú thực nghĩ đến việc cho trò chọn học 1 trong 3 bài thơ và theo số đông để dạy tôi cũng đã lấy làm hào hứng. Ngoài ra để tôn trọng các cá tính ta sẽ cho trò thuyết trình bảo vệ chính kiến. Biết đâu sau khi nghe thuyết trình với những bổ sung và gợi mở của tầm người làm thầy thì cả lớp lại cùng cảm được một tác phẩm nữa mà từ đó tạo nên cách thức, còn đường mới đến với tác phẩm văn chương. Đó là chuyện dạy cái trò muốn học chứ không dạy cái người thầy sẵn quen”.
Và quan điểm của cô Kim Anh là: “Cần thực hiện đồng bộ từ cải cách chương trình và SGK, đổi mới phương pháp dạy học. Và đặc biệt, nếu đổi mới chương trình và SGK mà không đổi cách kiểm tra thì cũng lại đi vào ngõ cụt”.
- Chi Mai