- Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT) của Bộ GD-ĐT vào thực tế đang lộ diện nhiều bất cập. Vấn đề được mổ xẻ tại cuộc tọa đàm của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 22/1.
>> Quản lý dạy thêm, học thêm: Trên đóng dưới mở
>> Chỉ được dạy thêm mỗi tuần 3 buổi
>> Bộ trưởng GD-ĐT: Sẽ thanh tra việc dạy thêm
>> Nhiều kẽ hở trong quy định cấm dạy thêm
Không thể bỏ dạy thêm, học thêm
Đó là ý kiến của không ít GV trực tiếp giảng dạy hoặc quản lý việc DTHT. Nhiều thầy cô giáo cho rằng, DTHT là nhu cầu tất yếu, không thể bỏ.
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc – Đại biểu Quốc hội, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định |
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc – Đại biểu Quốc hội, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (Q. Bình Thạnh) thẳng thắn: "Bản thân đang dạy thêm môn Hóa tại các lò luyện thi ĐH. Theo cô, chương trình thi ĐH rất dàn đều, một học sinh (HS) bình thường chỉ có thể giải quyết được 50% yêu cầu nên các em muốn đậu bắt buộc phải học thêm."
“Tôi dạy thêm vì đam mê chuyên môn của mình. Tôi đã đào tạo được rất nhiều những HS trở thành những kĩ sư, bác sĩ, cử nhân khi các em học môn Hóa và thi vào các trường Y – Dược trong thành phố. Mong muốn của tôi là giảm DTHT chứ không bỏ. DTHT là một nhu cầu chính đáng và bắt buộc phải duy trì…” - cô Cúc nhìn nhận.
Đồng tình quan điểm duy trì DTHT, bà Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cho biết, ngoài những tiết chính khóa trên lớp, nhiều GV trong trường ở lại cuối giờ để dạy thêm cho những học sinh yếu kém mà không lấy tiền, nhà trường chỉ trả cho họ bằng những tấm bằng khen, khen thưởng tinh thần vào cuối năm.
Ngoài ra, trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng tổ chức ôn luyện cho những HS muốn thi vào trường chuyên hoặc muốn bồi dưỡng thêm theo nhu cầu của phụ huynh học sinh, do vậy nếu cấm DTHT trong trường hợp này là không đúng.
Bà Điệp thắc mắc, chỉ có những GV trực tiếp giảng dạy các em trên lớp mới hiểu và nắm rõ được HS của mình đang yếu ở phần nào, điểm nào cần bổ sung, nâng cao. Vậy tại sao không để GV dạy cho chính HS của mình, vô tình đẩy họ ra dạy cho các trung tâm, khác nào biến giáo viên thành những “người lính đánh thuê”.
“Phản pháo” thông tư 17
TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thẳng thắn chỉ rõ: Bộ GD-ĐT chính là nguyên nhân đầu tiên khiến cho DTHT trở thành tất yếu (?).
Ông dẫn nguyên nhân "do chương trình học, thi tuyển nặng, lớp càng cao thì càng kêu không có thời gian dạy cho học trò – nên các trường phải tăng cường dạy thêm..."
“Thông tư 17 quản lý DTHT của Bộ tưởng rất chặt chẽ, muốn múc nước tiêu cực tại các hố DTHT; trên thực tế đang dùng rổ để múc nước" - ông Hùng nêu bất cập.
TS Hồ Thiệu Hùng: "Thông tư 17 quản lý DTHT của Bộ trên thực tế đang dùng rổ để múc nước..." |
Thông tư này vô hình chung đang cho trường dân lập thoải mái, muốn làm như thế nào thì làm. Còn các trường công lập, trường chuyên thì bị khắt khe, nghiêm cấm. Như vậy thử hỏi những GV sau khi dạy có uy tín ở một trường nào đó, xin ra ngoài dạy thêm, hỏi ai cấm được?
Đồng quan điểm - bà Dương Thị Trúc Bạch, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho rằng: thông tư 17 chỉ tập trung vào các trường công lập là chính, còn ngoài công lập là làm lơ. Điều này tiếp tay cho những GV ở trường tư dạy gì, nhiều hay ít, thu tiền như thế nào thì không ai để ý. Ngược lại tại trường công thì bó buộc, như vậy là không công bằng.
TS Hồ Thiệu Hùng đề xuất, Bộ nên thiết kế chương trình cho HS học ngày 2 buổi ở tất cả các cấp học đều 100%, trong đó buổi thứ 2 có thể mở theo trình độ học sinh. Có thể tách lớp, những học sinh giỏi học một lớp khá, trung bình học theo từng lớp…
Ông Nguyễn Hoài Chương, phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: Thông tư 17 của Bộ còn rất mâu thuẫn. Cụ thể, ở điều 4 quy định không dạy thêm đối với HS tiểu học nhưng ở điều 11 lại quy định được cấp phép tổ chức DTHT có nội dung thuộc chương trình tiểu học. Ngoài ra thông tư cũng không đề cập đến yếu tố phụ huynh - học sinh phải như thế nào, trong khi đây là yếu tố tác động rất lớn đến việc dạy thêm của giáo viên…
- Lê Huyền