Tham gia cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Dự thảo quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, liên doanh Tư vấn Royal Haskoning DHV (Hà Lan) và GIZ (Đức) đã nêu lên tiềm năng to lớn của các nguồn năng lượng sạch tại Đồng bằng sông Cửu Long.

{keywords}
Cánh đồng điện gió 

Cụ thể, khu vực này có 90% số ngày nắng cường độ cao trong năm, thích hợp phát triển điện mặt trời. Đồng bằng sông Cửu Long còn là khu vực bán đảo thấp và phẳng, gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5-6m/giây ở độ cao 80m, thích hợp phát triển điện gió. Ngoài ra, lợi thế vị trí, địa hình của vùng còn tạo thuận lợi cho việc dẫn khí đốt từ ngoài khơi vào bờ và xây dựng những kho nổi cỡ lớn làm nhiệt điện khí.

Những cánh đồng điện gió ở Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh nằm ở vùng hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long, có chiều dài bờ biển khoảng 72 km, có vùng bãi bồi ven biển rộng lớn với trên 50.000 ha là những địa bàn có thể phát huy để đầu tư xây dựng những cánh đồng điện gió lớn.

Không chỉ thuận lợi trong phát triển các ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản, cảng biển, logistics, du lịch… trong phát triển kinh tế xã hội, mà Sóc Trăng còn có lợi thế lớn trong phát triển năng lượng điện gió với quy mô công nghiệp.

Số liệu khảo sát của Tập đoàn ENERCON, đơn vị chuyên về sản xuất thiết bị điện gió hàng đầu thế giới của Cộng hòa liên bang Đức cho thấy, tại các vùng ven biển Sóc Trăng, việc đầu tư phát triển điện gió rất thuận lợi, do bờ biển ở đây dài và rộng, sức gió nhiều và mạnh hơn các tỉnh duyên hải trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, điều kiện triển khai xây dựng điện gió cũng thuận lợi.

Ở độ cao 60m, tốc độ gió trung bình là 6,3 m/s, ở độ cao 120 m tại khu vực bãi bồi ven biển thì tốc độ gió đạt trung bình khoảng 8,3m/s. Với tiềm năng đó, theo số liệu tính toán của nhà đầu tư, Sóc Trăng có thể phát triển nhiều cánh đồng điện gió với tổng công suất 1,55 GW, nếu huy động được lượng vốn đầu tư khoảng 3 đến 4 tỷ USD.

Theo phê duyệt quy hoạch của Bộ Công Thương về phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sóc Trăng sẽ có 3 vùng quy hoạch phát triển điện gió bao gồm: Vùng 1 được phân bổ tại khu vực bãi bồi ven biển thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung có diện tích 21.900 ha, công suất dự kiến 860 MW, vận tốc gió trung bình 6,4m/s.

Vùng 2 phân bổ ở khu vực đất liền ven biển thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề có diện tích 7.500 ha, công suất dự kiến 295 MW, vận tốc gió 6m/s. Vùng 3 phân bổ tại khu vực đất liền thi xã Vĩnh Châu có diện tích 7.940 ha, công suất dự kiến 315 MW, vận tốc gió 6,2m/s. Riêng giai đoạn sau năm 2020, công suất  lắp đặt tích lũy đạt khoảng 200 MW với sản lượng điện gió tương ứng là 470 triệu KWh.

Đến thời điểm cuối năm 2020, tỉnh đã khởi công được 8 dự án. Hiện khả năng truyền tải của lưới điện đã được Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch với 20 dự án, tổng quy mô công suất 1.435MW, các dự án này đang triển khai khởi công, dự kiến đến tháng 10 năm 2021 đưa vào vận hành 8 dự án, các dự án còn lại sẽ đưa vào vận hành trong những năm 2022 - 2023.

Điện mặt trời ở An Giang

Tại An Giang, mỗi năm trung bình có tới 2.400 giờ nắng, cường độ bức xạ mỗi ngày khoảng 4,7-5,1kWh/m2.

Nhà máy điện mặt trời công suất 210 MWp có diện tích 275 ha tại khu vực chân Núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, đã được đầu tư hoàn thành trong vòng hơn một năm. Được biết, nhà máy điện mặt trời Sao Mai  sẽ đóng góp khoảng 400 triệu kWh/năm cho lưới điện quốc gia, từ năm 2021.

Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết tỉnh đang có 10 dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời với tổng công suất khoảng 780MWp. Ngoài ra, nhiều mô hình điện mặt trời áp mái đã lắp đặt đấu nối với lưới điện, có tổng công suất khoảng 600kWp.

Điện khí ở Cà Mau

Cà Mau đã trở thành một trung tâm nhiệt điện khí của cả nước. Từ khi vận hành vào tháng 5-2007 đến nay, những Nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 1 và 2 đã cung cấp 84 tỷ kWh điện, tổng doanh thu đạt hơn 117.000 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương hơn 2.900 tỷ đồng. 

Để phát huy tiềm năng và lợi thế về điện khí, giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung khí, UBND tỉnh Cà Mau đã kiến nghị đầu tư 4 dự án điện khí LNG với tổng công suất 10.700 MW.

Cụ thể là Dự án điện khí Cà Mau 3 có công suất 1.500 MW; Dự án điện khí Tân Thuận có công suất 3.200 MW; Dự án điện khí Sông Đốc có công suất 3.000 MW và Dự án điện khí LNG cùng hệ thống FSRU có quy mô 3.000 MW.

Ngọc Ánh