Ngày 24/6/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 (gọi tắt là Đề án).

Ngay sau quyết định này, ngày 26/10/2010, Bộ GD-ĐT đã ban hành những văn bản liên quan đến công tác quản lý, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án, xác định cụ thể công việc, lộ trình, phân công các đơn vị thực hiện.

Nhiều kỳ vọng

Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại. Những ngôi trường này đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát hiện học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Trường chuyên là hình mẫu của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục.

{keywords}
Trường chuyên được kỳ vọng phát hiện học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Những mục tiêu cụ thể cũng được đặt ra như: tập trung đầu tư nâng cấp các trường chuyên thành trường đạt chuẩn quốc gia và có chất lượng giáo dục cao; Ưu tiên đầu tư mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại; Đến năm 2015, có 100% trường chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm, có chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Một mục tiêu khác là tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục trong các trường chuyên theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới. Đến năm 2020, có ít nhất 70% học sinh được xếp loại học lực giỏi; 90% học sinh giỏi, khá về tin học; 50% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ Châu Âu ban hành.

Ngoài ra, tạo sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường chuyên với việc đào tạo ở ĐH. Theo đó, sẽ lựa chọn những học sinh có năng khiếu nổi bật vào học tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường ĐH chất lượng cao trong nước và các trường ĐH có uy tín ở nước ngoài. Đến năm 2015, có khoảng 30% học sinh các lớp chuyên đã tốt nghiệp được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường ĐH trong nước và các trường ĐH có uy tín ở nước ngoài, đạt 50% vào năm 2020.

Đồng thời, đến năm 2020, mỗi trường chuyên hợp tác được với ít nhất một cơ sở giáo dục có uy tín trong khu vực, quốc tế...

Gian nan "về đích"

Tuy nhiên, theo Ban quản lý Chương trình Phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 (Bộ GD-ĐT), báo cáo sau 8 năm (2010-2018) thực hiện cho thấy, việc triển khai thực hiện Đề án đã bộc lộ một số mặt hạn chế, có tiêu chí khó hoàn thành.

{keywords}
Nhiều vấn đề mới tiếp tục được đặt ra đối với hệ thống các trường THPT chuyên khi Chương trình Giáo dục phổ thông mới được ban hành 

Tại thời điểm năm 2018, việc xây dựng trường chuyên trọng điểm có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế chưa được triển khai mạnh và chưa đạt được những kết quả rõ rệt. Tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia còn cao (25,3%).

Một số trường chuyên chưa thực sự phát huy được vai trò đi đầu trong đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động dạy học, quản lý nhà trường; chưa chứng tỏ được vai trò hình mẫu của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Bên cạnh đó, còn nhiều hạn chế trong việc huy động các nguồn lực từ hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại. Việc hợp tác, liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài về xây dựng chương trình, bồi dưỡng giáo viên cũng chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, việc triển khai thí điểm dạy học môn Toán và các môn khoa học bằng Tiếng Anh còn nhiều hạn chế. Việc thí điểm dạy học nội dung giáo dục tiên tiến của nước ngoài mới chỉ được thực hiện ở một vài trường chuyên.

Nội dung xây dựng hệ thống thông tin điện tử liên kết giữa các trường chuyên với các trường đại học và các cơ sở giáo dục có uy tín nước ngoài vẫn còn rất hạn chế.

Sau khi có báo cáo về 8 năm thực hiện Đề án, Ban quản lý Chương trình Phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 (Bộ GD-ĐT) nhìn nhận cho tới mốc thời gian để hoàn thành Đề án là năm 2020, không ít công việc cần phải được đẩy nhanh tiến độ, gấp rút hoàn thành. Đó là chưa kể, nhiều vấn đề mới tiếp tục được đặt ra đối với hệ thống các trường THPT chuyên khi Chương trình Giáo dục phổ thông mới được ban hành.

Tại hội thảo Định hướng phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2019-2025 diễn ra tại Bắc Ninh cuối năm 2018, các đại biểu tham dự cũng đã nhận định để hoàn thành mục tiêu của Đề án sẽ còn không ít việc phải làm, trong đó có những tiêu chí khó hoàn thành vào năm 2020.

Cuối năm 2020, Bộ GD-ĐT sẽ tổng kết Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010–2020. Khi đó mới có câu trả lời cho việc Đề án với kinh phí hơn 2.312 tỷ đồng này liệu có thể cán đích hay không.

Kinh phí thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 - 2020 là 2.312,758 tỷ đồng. Trong đó:

- Ngân sách nhà nước:

+ Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo: 1.295,417 tỷ đồng;

+ Vốn vay ODA: 953,65 tỷ đồng.

- Ngân sách địa phương: 63,792 tỷ đồng.

Bao gồm 3 hoạt động:

1. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

- Nội dung chủ yếu:

+ Xây dựng 664 phòng học, 365 phòng học bộ môn, 49 nhà tập đa năng, 73 thư viện, 73 phòng họp giáo viên, 63 nhà công vụ, 55 nhà nội trú và nhà ăn, 13 bể bơi theo tiêu chuẩn quy định, diện tích xây dựng 255.950 m2;

+ Mua 73 bộ thiết bị dùng chung và thiết bị dạy học môn chuyên phục vụ cho giảng dạy, bồi dưỡng học sinh năng khiếu.

- Kinh phí dự kiến: 1.660,722 tỷ đồng.

2. Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý

- Nội dung chủ yếu:

+ Đào tạo tại nước ngoài về trình độ thạc sĩ cho 200 giáo viên; về giảng dạy các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học bằng tiếng Anh cho 730 giáo viên;

+ Bồi dưỡng tại nước ngoài về kinh nghiệm quản lý giáo dục cho 73 cán bộ quản lý; về giảng dạy tiếng Anh cho 600 giáo viên dạy môn tiếng Anh;

+ Đào tạo trong nước về trình độ thạc sĩ cho 500 giáo viên; về giảng dạy các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học bằng tiếng Anh cho 1090 giáo viên;

+ Bồi dưỡng trong nước về tiếng Anh, tin học cho 1560 cán bộ quản lý, giáo viên; về phát triển chương trình, tài liệu môn chuyên, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá cho 1460 giáo viên dạy môn chuyên.

- Kinh phí dự kiến: 624,290 tỷ đồng.

3. Phát triển chương trình, tài liệu và đánh giá hiệu quả giáo dục

- Nội dung chủ yếu:

+ Xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu giảng dạy về 05 hoạt động giáo dục bồi dưỡng năng khiếu theo lĩnh vực chuyên; về giảng dạy bằng tiếng Anh các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học ở các lớp 10, 11, 12;

+ Biên soạn tài liệu hướng dẫn phát triển chương trình, giảng dạy môn chuyên; tài liệu hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá; tài liệu dạy học trực tuyến, dạy học theo dự án;

+ Xây dựng bộ công cụ kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh;

+ Thực hiện đánh giá, kiểm định các trường trung học phổ thông chuyên;

+ Tổ chức các hội thảo trong nước, quốc tế về kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh năng khiếu.

- Kinh phí dự kiến: 27,746 tỷ đồng.

 Đông Hà

'Không thể yêu cầu rạch ròi về sản phẩm trường chuyên'

'Không thể yêu cầu rạch ròi về sản phẩm trường chuyên'

Không thể yêu cầu rạch ròi sản phẩm trường chuyên như thế nào, là gì. Bởi kết quả của trường chuyên nói riêng và giáo dục nói chung là một sự trừu tượng, không cụ thể?