Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Trước đây, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ (GRDP) do Cục Thống kê biên soạn và công bố chưa phản ánh sát thực trạng quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong một thời gian dài, chênh lệch giữa chỉ tiêu GRDP tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố và chỉ tiêu GDP của cả nước diễn ra phổ biến và khoảng cách không ngừng nới rộng qua từng năm, thậm chí có năm lên tới hai con số.
Năm 2011, GDP của cả nước do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố được các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế thống nhất sử dụng chỉ tăng 6,24% so với năm 2010. Trong khi đó, 61 địa phương có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng GDP của cả nước, với 27 địa phương có tốc độ tăng trên 10%.
Tổng cục Thống kê đứng ra tính, số liệu GRDP sát thực tế hơn |
Kết quả tổng hợp GRDP do địa phương tính toán và công bố cho thấy, tốc độ tăng GDP của cả nước năm 2011 lên tới hơn 11%, gấp gần 1,8 lần tốc độ tăng chung do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố.
Tương tự, năm 2012 tốc độ tăng tổng GRDP của các địa phương là 9,13%, gấp 1,74 lần so với tốc độ tăng GDP (5,25%) do Tổng cục Thống kê biên soạn. Mặc dù, năm 2012 kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp khó khăn, nhưng không có địa phương nào biên soạn và công bố tăng trưởng GRDP thấp hơn tốc độ tăng 5,25% của cả nước, thậm chí vẫn có 21 địa phương tăng GRDP trên 10%.
“Sự không thống nhất giữa số liệu GDP ở trung ương và GRDP ở địa phương cho thấy chất lượng số liệu thống kê còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và vị thế của ngành Thống kê nói chung”, bà Hương chia sẻ.
Từ đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác xây dựng, chỉ đạo, điều hành thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chênh lệch này, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết: Một là khó khăn trong việc thu thập thông tin theo nguyên tắc thường trú của Tài khoản quốc gia, dẫn đến có sự tính trùng giữa các địa phương. Hai là bệnh thành tích của các địa phương. Ba là đội ngũ công chức, viên chức thống kê chuyên sâu về tài khoản quốc gia của các Cục Thống kê còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
Trước tình hình đó, Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 (gọi tắt là Đề án 715) ra đời để giải quyết vấn đề này.
Đề án 715 được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến theo hướng tích cực, xóa bỏ khoảng cách chênh lệch và tiến tới thống nhất số liệu GDP của Trung ương và GRDP địa phương.
Năm 2016, Tổng cục Thống kê tiến hành rà soát, tính toán lại số liệu GRDP thời kỳ 2011-2015; tính thử nghiệm GRDP 6 tháng đầu năm và cả năm 2016. Năm 2017, Tổng cục Thống kê chính thức biên soạn và công bố chỉ tiêu GRDP cho các địa phương. Kết quả biên soạn GRDP của các địa phương là một trong căn cứ quan trọng để Tổng cục Thống kê xem xét, đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017.
Theo đó, số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương và địa phương đã tương thích cả về quy mô và tốc độ. Số liệu GRDP đã được hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhất quán sử dụng trong quản lý, điều hành và hoạch định chính sách.
Nếu giai đoạn 2011-2015, có 62/63 tỉnh thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân trên 10% (trong khi tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả nước thực tế chỉ đạt 5,91%), thì giai đoạn năm 2016-2020 chỉ còn 16/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tăng trưởng GRDP trên 10%.
Hải Ninh