“Viên ngọc sinh thái” giữa Thủ đô

Sáng ngày 24/11/2023, Hội thảo “Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp” diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm quy tụ nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, nhà quy hoạch trong nước và quốc tế. Hội thảo nhằm đưa ra những giải pháp về quy hoạch, phát triển và quản lý khu vực Bãi Giữa và trục sông Hồng-  con sông có vai trò rất lớn đối với lịch sử hình thành, phát triển của Hà Nội.

Hà Nội có kế hoạch lập Quy hoạch Thành phố giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2030 theo Luật Quy hoạch 2017. Theo đồ án quy hoạch, quận Long Biên phát triển đô thị dựa vào cảnh quan thiên nhiên hiện có, kết nối khu vực hành lang xanh giữa sông Hồng và sông Đuống. Khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn.

baigiua.png
Một góc Bãi Giữa

Theo quy hoạch, Bãi Giữa sông Hồng chảy qua khu vực nội độ trên địa bàn hai quận Long Biên và Hoàn Kiếm đang được định hướng để phát triển thành công viên, nằm trong tổng thể quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. 70% diện tích đô thị sông Hồng trong tương lai để trồng cây xanh theo hệ thống công viên – hồ điều hòa đồng bộ, 30% còn lại để phát triển đô thị.

KTS Nguyễn Văn Tuyên (Trường ĐH Xây Dựng Hà Nội) đánh giá, Bãi Giữa với diện tích 310ha thuộc phạm vi hành chính của 4 quận là: Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên, Hoàn Kiếm như “viên ngọc sinh thái” giữa Thủ đô.

Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND Quận Ba Đình cho biết, trong các Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô qua các thời kỳ, sông Hồng và các không gian Bãi Giữa, Bãi Bồi ven sông được xác định đóng vai trò là không gian xanh sinh thái đệm quan trọng của Thủ đô, là di sản thiên nhiên, trục cảnh quan thiên nhiên, trục giao thông đường thủy quan trọng kết nối khu vực nội đô cũ với các khu vực mới phát triển tại bắc sông Hồng, đảm bảo an toàn lũ, an ninh quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Vì vậy, ông Chiến đề xuất các ý tưởng xây dựng công viên bao gồm: Khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ Bãi Giữa và khu vực ven sông; khu vực cải tạo chỉnh trang bao gồm khu dân cư tập trung bên ngoài đê thuộc các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ) và Ngọc Thụy (quận Long Biên); cùng với đó là các yếu tố kiến trúc có giá trị cần được kết nối như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu… thuộc khu phố cổ, phố cũ.

Xây dựng hành lang xanh cho khu vực Bãi Giữa

Khu vực đầu tư mới nằm ở Bãi Giữa và ven sông Hồng được chia thành 3 phần chính, ngược theo “dòng thời gian – sông Hồng”, tương ứng các thời kỳ lịch sử: Khu vực quận Hoàn Kiếm – thời thị thành Phong kiến “trên bến dưới thuyền”; Khu vực cầu Long Biên quận Long Biên, Ba Đình – thời kỳ cận hiện đại: Pháp thuộc và chiến tranh chống Pháp, Mỹ; khu vực quận Tây Hồ – thời đương đại: văn hoá, vui chơi giải trí kết hợp sinh thái… Khu vực cải tạo chỉnh trang cần tạo ra các trục kết nối về không gian – kết nối thị giác với khu vực phố cổ Hoàn Kiếm, phố cũ Ba Đình, khu vực đô thị mới của Tây Hồ và Long Biên.

KTS Nguyễn Văn Tuyên nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng hành lang xanh cho khu vực Bãi Giữa, phát triển nơi đây theo mô hình công viên chuyên đề sinh thái – văn hóa – sáng tạo. Một số mô hình có thể triển khai tại đây là: Công viên chuyên đề du lịch sinh thái, công viên chuyên đề lịch sử văn hóa, công viên chuyên đề nông nghiệp, công viên chuyên đề khoa học, công viên chuyên đề sức khỏe (trồng vườn cây dược liệu)…

Bàn về việc tổ chức không gian bãi giữa sông Hồng kết nối trục sông Hồng đóng góp cho tương lai đô thị Hà Nội, TS, KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, ngoài hệ thống cầu, thành phố nên tập trung thiết lập các tuyến giao thông ngầm dưới lòng sông để kết nối đô thị hai bờ; tổ chức các vành đai xanh, tổ hợp cảnh quan, cần lựa chọn hệ sinh thái khả thi với đặc điểm vùng cận sông, vùng ngập nước; thay thế cơ bản tuyến đê đất hiện nay bằng tường chắn bê tông với cao độ và độ bền tương ứng…

Về giải pháp cho trục cảnh quan trung tâm, ông Phan Đăng Sơn đề xuất cần tổ chức cảnh quan bình dị, mang hơi thở làng giàu bản sắc và giàu tính chất sinh thái bản địa; tổ chức tiểu cảnh đều khắp. Bãi giữa nên hướng về quy hoạch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao với kết nối đặc sắc vùng miền.

Theo quan sát của KTS người Pháp Olivier Souquet, Bãi Giữa sông Hồng là không gian xanh tự nhiên. Trong khi ở các đô thị Việt Nam, nhiều nhà cao tầng mọc lên đã làm thay đổi toàn bộ cảnh quan đô thị và một nơi để tìm lại không gian sống cho cư dân chính là ven sông. Những dải đất ven sông là nơi duy nhất mà nước có thể thoát ra. Đó là một không gian “sống” với đa dạng sinh học phong phú, việc làm “ngạt thở” nó bằng các kết cấu kè bê tông như hiện nay sẽ mang lại cái chết từ từ cho những con rồng sống ở đó….

Vì thế, KTS Olivier Souquet cho rằng "với việc xây dựng công viên ở Bãi Giữa, cần nghiên cứu rất kỹ; có những phần chúng ta phải tác động nhưng có phần phải để nguyên trạng tự nhiên.”

Khánh Hồng