Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước Di sản Thế giới (1972-2022) và 20 năm nghiên cứu, khai quật, tổ chức nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2002-2022), UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội”.

Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Hội thảo tổ chức nhằm khẳng định những thành tựu đạt được trong 20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt nhấn mạnh những kết quả đạt được trong những năm gần đây trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản sau 10 năm được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới. Hội thảo cũng là dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm của những người làm công tác nghiên cứu và bảo tồn trong nước và quốc tế, từ đó thảo luận nhằm nêu lên định hướng cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị nhiều mặt của Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong thời gian tiếp theo.

Tại hội thảo, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khẳng định, cuộc khai quật khu di tích Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội là cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Kết quả khai quật đã phát lộ những dấu tích của Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ, với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau. Đây là một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời; là một di tích văn hóa, lịch sử và khảo cổ tiêu biểu; là bằng chứng vật chất, phản ánh trình độ kỹ thuật cao, chứa đựng các giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật. Đồng thời, phản ánh sự giao thoa văn hóa trong một quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ông Trần Sỹ Thanh đề nghị và mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tại hội thảo hãy tham góp nhiều ý tưởng tâm huyết, sáng tạo, đưa ra các giải pháp khả thi để gìn giữ và phát huy giá trị của di sản. Những kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở khoa học để thành phố Hà Nội xây dựng phương án khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới; đặc biệt là các giải pháp ứng dụng công nghệ dưới dạng di sản số.

Hội thảo sẽ là cơ sở để Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đưa ra được các chính sách và các biện pháp phù hợp, nhất là các giải pháp khảo cố và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để phát huy giá trị của di sản thế giới.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẳng định, đến nay, về cơ bản các khuyến nghị của UNESCO đã và đang tiếp tục được các cơ quan quản lý di sản của thành phố Hà Nội thực hiện đầy đủ, từ việc củng cố bộ máy tổ chức và tăng cường vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, đến việc bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý di sản; xây dựng và ban hành các quy chế bảo vệ di sản; xây dựng và thực thi các Kế hoạch quản lý, quy hoạch và đầu tư nguồn lực tài chính để triển khai các dự án bảo vệ, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di sản, ngăn chặn các nguy cơ tác động, ảnh hưởng xấu tới di sản, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học...

Ông Cương cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và giải quyết từ nhiều góc độ khác nhau. 

Chính vì vậy, hội thảo “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội” sẽ là cơ hội tốt nhất để chúng ta góp thêm tiếng nói, kinh nghiệm, trí tuệ cho công tác quản lý, bảo tồn di sản có tầm quan trọng không chỉ của Việt Nam, mà còn của cộng đồng quốc tế. 

Ông Phạm Quang Vinh - Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao cho rằng, Tổng Giám đốc UNESCO bà Audrey Azoulay mới đây phát biểu tại Ninh Bình đã nhấn mạnh “Bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ. Đó là điều kiện tiên quyết... Chúng ta phải đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng mà chúng đáng có. Chúng ta cần phải coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, mà Việt Nam là một ví dụ…”. Và sự hiện diện tại Hội thảo ngày hôm nay của các lãnh đạo Thành ủy và UBND TP Hà Nội là một minh chứng rõ ràng cho sự coi trọng đối với vai trò của văn hóa nói chung và cam kết đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản nói riêng của thành phố Hà Nội. 

Ông Vinh cũng xin hoan nghênh những nỗ lực trong 20 năm qua của TP Hà Nội nói chung và Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội nói riêng trong công tác trùng tu, gìn giữ khu di sản này, để Hoàng Thành Thăng Long được xem như một hình mẫu về sự phối hợp giữa thành phố, ban quản lý với các chuyên gia, các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. 

Ông Vinh hy vọng, kết quả của hội thảo sẽ là cơ sở để Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đưa ra được các chính sách và các biện pháp phù hợp, nhất là các giải pháp khảo cố và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để phát huy giá trị của di sản thế giới, mở rộng hợp tác quốc tế, tham khảo các bộ công cụ giám sát của UNESCO và các nước trên thế giới phù hợp với bối cảnh và điều kiện của Việt Nam.