Chị Nguyễn Thị Huyền, người dân sống tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội hàng ngày phải đi lại qua đường vành đai 3 phản ánh, những chiếc xe rác được tập kết thành hàng dài gây nguy hiểm cho người đi đường mỗi khi đêm tối.

Nhiều điểm tập kết rác “án ngữ” ngay bên đường

Theo khảo sát nhanh của Báo VietNamNet, tình trạng xe rác thiếu bãi tập kết được xếp thành hàng dài ngay dưới lòng đường để chờ thu gom trên nhiều tuyến phố, ngã ba đường đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân xung quanh khu vực các bãi tập kết rác thải/ trạm trung chuyển rác bất đắc dĩ này.

Ví dụ, ngã ba phố Lê Văn Lương rẽ vào phố Hoàng Ngân, phố Nguyễn Xuân Linh (trước trụ sở Cục Tần số Vô tuyến điện), đường Đỗ Mười (đoạn lối rẽ vào phố Lĩnh Nam), điểm chờ xe bus chỗ bể bơi Thái Hà… Có một thật dễ thấy là cứ khu vực nào được coi là “chỗ trống” thì những xe rác nghiễm nhiên đứng chân.

Tình trạng tương tự này cũng xảy ra ở nhiều tuyến phố của TP.HCM như: Phan Văn Trị, Bình Quới, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), đường Hoàng Sa (quận 3), Quốc Hương (quận 2), đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức)... Nếu trước đây cứ mỗi buổi chiều lại biến thành nơi tập kết rác thì nay có khi cả sáng và chiều, mùi rác thải bốc lên khiến người đi đường ám ảnh.

Điều nguy hại hơn, nhiều điểm trung chuyển rác do nằm ngay lòng đường, cạnh trường học, quán ăn, khu dân cư không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Bởi nhiều khu vực đèn đường không có hoặc không được bật, các xe rác lại chắn ngay lối rẽ của các con đường khiến nhiều người dân cảm thấy bất an.

11 de diem tap ket.jpg
Xe rác thiếu bãi tập kết được xếp thành hàng dài ngay dưới lòng đường và trên vỉa hè thuộc đường Đỗ Mười (đường gom vành đai 3, đoạn qua quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội). 

Theo chị Nguyễn Thị Huyền, các điểm tập kết rác tự phát này gây ô nhiễm, mùi hôi khiến nhiều người dân khó chịu. Nhưng đáng ngại hơn là những người phải đi làm về khuy như chúng tôi rất ái ngại. Có lần về ngang qua các xe rác, những con chuột từ trên xe chạy túa ra khiến tôi giật mình loạng choạng tay lái rồi ngã cả xe ra đường.

“Một chiếc xe tải từ phía sau lao đến, nhưng may tài xế phanh kịp khiến tôi được một phen thoát chết trong gang tấc. Nhiều vụ ngã xe của người dân khi qua khu vực này do đường tối, nước rác chảy ra đường gây trơn trượt cộng với lí do là đường vành đai 3 nên xe tải chạy nhiều khiến những người phải đi tối như chúng tôi rất lo sợ”, chị Huyền phản ánh.

Thiếu thốn các điểm tập kết rác đúng quy định

Là người “trong cuộc”, chị Nguyễn Thị Nhàn, công nhân vệ sinh môi trường tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội cho biết: Mọi người cứ thử hình dung, ngay các bãi đỗ xe cho ô tô, xe máy thành phố còn thiếu hụt thì lấy đâu ra chỗ để xây dựng các bãi tập kết rác đúng quy định. Và nếu có bãi rồi thì các xe rác đạt quy chuẩn để tập kết thu gom / tập kết rác cũng là sự "xa xỉ" khi mà xe thu gom chở rác còn đang thiếu và không đảm bảo an toàn.

“Không ai muốn để xe rác trước nhà, trước cửa hàng kinh doanh của mình. Những thùng rác công công vốn nhỏ không kham nổi lượng rác thải khổng lồ của cư dân. Những xe rác thiếu điểm tập kết trong thời gian chờ xe rác đến chở đi là thực tế, nên việc nhiều xe rác bị “bỏ lại” ngay bên vệ đường biến nhiều khu vực thành điểm tập kết rác bất đắc dĩ là điều không mong muốn nhưng người dân đành phải… chấp nhận”, chị Nhàn thẳng thắn.

Cũng theo chị Nhàn, việc để những xe rác dưới lòng đường gây nguy hiểm và mất vệ sinh nhưng bản thân chị và những lao công cũng không có giải pháp nào. Thực tế, TP Hà Nội đã từng triển khai “dẹp bỏ” các điểm tập kết rác tạm thời trên địa bàn như: Thu gom rác theo giờ, tập kết và chỉ trung chuyển, vận chuyển rác thải vào ban đêm… Tuy nhiên, trước sức ép về rác thải ngày một gia tăng, các khu vực dân cư cần tới 2 thậm chí 3 lần thu gom rác mỗi ngày khiến các xe rác bị tồn đọng, không có điểm tập kết dẫn tới hiện tượng phải đứng “tạm” trên đường như báo chí phản ánh và người dân đang thấy.

Thiết nghĩ, về lâu dài Việt Nam phải tính đến dành không gian cho các điểm tập kết/ trung chuyển rác như những công trình hạ tầng khác như: bến xe bus, điểm đỗ xe… Thậm chí, các điểm tập kết rác trong nội thành phải được xây dựng ngầm, hoặc nhà nổi phải có mái che, hệ thống khử mùi, nước rác thải phát sinh theo đúng quy chuẩn thay vì “bạ đâu để đó” làm khổ nhân dân như hiện nay.

Thúy Tình và nhóm PV, BTV