Theo đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh, trong thời gian gần đây, cùng với nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người tiêu dùng, đặc biệt đối với các nhóm hàng điện tử, điện máy, xe ô tô, xe máy…, thì hình thức tài chính hỗ trợ người tiêu dùng vay mua trả góp cũng phát triển và có chiều hướng tăng trưởng rất mạnh.

Tuy nhiên, đi kèm với thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân khoản vay nhanh chóng, tiện lợi, giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn ngân hàng ngay tại điểm bán thì hình thức cho vay tiêu dùng thông qua các công ty tài chính đang phát sinh nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là chính sách cung cấp thông tin và hoạt động thu hồi nợ đối với người vay.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua có nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động thực hiện hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng có hành vi mập mờ, không cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng về khoản vay, về tình hình thực hiện hợp đồng, số tiền phạt khi chậm thanh toán theo hạn…

Phản ánh từ nhiều khách hàng vay mua tiêu dùng trả góp cũng cho thấy, họ không được giải thích kỹ lưỡng về hình thức thanh toán trả góp, thậm chí “mù mờ” trước thông tin về thực tế tổng số tiền của sản phẩm khi trả bằng hình thức trả góp để so sánh với số tiền nếu trả thẳng.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam, hoạt động thu hồi nợ của tổ chức tài chính cũng có nhiều bất cập. Bên thu hồi nợ có thể liên hệ vào lúc tối muộn với tần suất liên tục (trên dưới 10 cuộc điện thoại, tin nhắn trong một buổi), liên hệ với cả người thân của người tiêu dùng để thông báo về khoản nợ của người tiêu dùng. Thậm chí có dấu hiệu, hành vi đe dọa kiểu “xã hội đen”.

Trước thực tế trên, theo khuyến cáo của Cục Quản lý Cạnh tranh, tín dụng tiêu dùng là lĩnh vực mới mẻ đối với nhiều người, do đó người tiêu dùng cần đặc biệt lưu ý để tránh mắc phải tình trạng "bút sa gà chết", đặt bút ký vào hợp đồng vay tiền nhưng không đọc kỹ các điều khoản, hoặc không được bên cho vay giải thích kỹ, đến khi thực tế diễn ra, phải trả số tiền lớn mới "ngã ngửa" với những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng, cho rằng các doanh nghiệp “bẫy” trả góp, áp dụng lãi suất “cắt cổ” (lên tới 58 – 70%/năm).

Ngoài ra, khi vay mua trả góp, người tiêu dùng cần lựa chọn doanh nghiệp bán hàng, tổ chức cho vay trả góp uy tín, cần tìm hiểu kỹ lưỡng các điều khoản, quy định ràng buộc, các mục về quyền hạn và nghĩa vụ trước khi ký hợp đồng.

Trong trường hợp người tiêu dùng là khách hàng của các dịch vụ tài chính tiêu dùng có vấn đề cần hỗ trợ, khiếu nại có thể liên hệ tới tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 18006838 của Cục Quản lý Cạnh tranh (cuộc gọi được miễn phí cước).

Một vụ việc điển hình khách hàng "tố" doanh nghiệp cho vay mua trả góp áp dụng lãi suất "cắt cổ":

Hồi tháng 4/2014, một số trang thông tin đã phản ánh về dịch vụ trả góp tại Thế Giới Di Động được cung cấp bởi đối tác là công ty tài chính PPF đã đưa khách hàng vào “bẫy” trả góp, với lãi suất “cắt cổ”. Ví dụ, mua sản phẩm iPhone 5S 32GB nếu mua trả góp với thời hạn vay 15 tháng, khách hàng phải chịu mức lãi suất tương đương 58%/năm; hoặc laptop Sony Vaio trong 12 tháng lãi suất tương đương 66%/năm.

Tuy nhiên, phía Thế Giới Di Động lại phản bác, khẳng định khách hàng được cung cấp đầy đủ thông tin và có quyền đưa ra quyết định dựa trên khả năng tài chính của mình, chứ không hề có sự mập mờ, lừa đảo nên không thể khẳng định là Thế Giới Di Động và PPF “bẫy”. Cùng đó, mức lãi suất áp dụng cho vay tiêu dùng của công ty tài chính được áp dụng cho khách hàng nằm trong khuôn khổ được Ngân hàng Nhà nước cho phép.