Hà Nội đang trải qua mùa hè nóng nực khi nhiệt độ có lúc lên tới 39 - 40 độ C. Có rất nhiều nguy cơ rình rập, thậm chí “tiền mất tật mang” đến từ nhu cầu làm nguội cơn nóng.
“Chiêu mới” vệ sinh điều hòa
Thợ sửa điều hòa tên Huy, quê ở Nghệ An, hiện trú tại 192 Lê Trọng Tấn cho biết, 2 tháng nay chưa lúc nào được về ăn cơm trước 21 giờ đêm vì bận việc lắp đặt, sửa chữa điều hòa. Theo bật mí của Huy, lắp điều hòa không kiếm nhiều tiền bằng sửa. Chốt tháng 6 vừa rồi anh ta bỏ túi 35 triệu đồng từ việc sửa chữa điều hòa.
Theo Huy, anh từng là nhân viên lắp đặt điều hòa của siêu thị HC ở đường Giải Phóng. 3 năm trước, khi đã “đủ lông đủ cánh” Huy nhảy ra làm ngoài. “Mùa hè năm nay có 2 đợt nóng kéo dài, có đợt kéo dài vài tuần lễ. Những ngày nóng thu nhập của thợ sửa điều hòa như anh em chúng tôi có ngày lên tới 6 triệu đồng. Đối với những người có mối quan hệ rộng do đi làm nhiều năm thì thu nhập còn nhiều hơn”.
Nhiều khách hàng mất tiền triệu vì những mánh khóe của thợ sửa điều hòa. |
Thực tế tìm hiểu của PV cũng cho thấy, thợ điều hòa càng có kinh nghiệm càng “vớ bẫm” trong những ngày nắng nóng gần 40 độ C này. Huy thật thà: “Điều hòa thường không lạnh do bụi bẩn ở dàn nóng, dàn lạnh, hết gas, màng lọc không được vệ sinh… chỉ cần bơm ga, vệ sinh lại. Nhiều chủ nhà không biết sẽ bị “chém” khi thợ thông báo hỏng các bộ phận điều khiển, bo mạch… và báo giá từ 1,5 – 2 triệu đồng/thiết bị. Những bộ phận bị thay thế thường chủ nhà không giữ. Thế là, thợ lại có cơ số tiền khi tận dụng những bộ phận chưa hỏng đó đến lắp cho gia đình khác”.
Phí vật tư, bảo dưỡng mỗi máy điều hòa ngày thường có giá từ 150.000 - 200.000 đồng, những ngày nóng này giá vọt lên 250.000 - 400.000 đồng/máy, tùy theo độ khó. Huy cho hay, có đồng nghiệp tên Quang cũng quê ở Nghệ An, kỷ lục có ngày kiếm 11 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bây giờ “chiêu” ăn gian đường ống khó lừa khách, giới sửa điều hòa thường có “mánh” đánh tráo hàng giả - thật về xuất xứ, nhập lại các loại hàng “trôi” bảo hành, hoặc “mông” lại như mới mà chủ nhà không biết. Chỉ cần hàng giá mềm hơn ở siêu thị thì vẫn có nhiều khách đồng ý lắp đặt.
Tràn ngập đá lạnh không nguồn gốc
Trà đá, bán đá lạnh cũng là những dịch vụ hốt bạc trong ngày nắng nóng này. Một nhân viên “đổ” đá lạnh cho các cửa hàng cho hay, có ngày tiêu thụ cả tấn đá. Nhân viên “ship” đá viên, thời gian “lượn” ngoài đường dưới cái nắng gần 40 độ C, công việc này rất mệt và mất sức. Bù lại, thù lao rất cao, mỗi chuyến chở được 2 – 3 tạ đá, trung bình được từ 150.000 đến 200.000 đồng/chuyến.
Khách dùng đá giải nhiệt không thể kiểm chứng được mức độ an toàn vệ sinh trong khâu sản xuất. Qua tìm hiểu của chúng tôi, thị trường đá lạnh tại Hà Nội bát nháo và không thể kiểm soát.
Cở sở làm đá gần sân vận động Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng nằm sâu trong ngõ. Cơ sở này mỗi ngày sản xuất hàng chục tấn đá, phân phối đi rất nhiều địa điểm giải khát. Theo quan sát, cơ sở này sản xuất cả đá cây và đá viên đóng túi. Nhân viên khẳng định đá được làm từ nước máy bơm thẳng vào các khay đá. Sau đó, đá được tập kết thành đống giữa sàn nhà. Các bộ phận khuôn đá, dao cắt, bồn cấp nước, cối lạnh và gàu tải đá của hệ thống máy sản xuất đều gỉ sét. Khi hỏi về việc mất vệ sinh, một người thợ làm đá ở đó cười: “Đá là sạch nhất, có chạm phải cái gì bẩn thì lúc nữa cũng tan chảy đi thôi”(?).
Tại một quán trà đá ở khu đô thị Đại Thanh, Thanh Trì, chủ cửa hàng cho hay những hôm nắng nóng, lượng khách đến uống trà tăng gấp 3. Từ cuối buổi chiều đến khoảng 22 giờ tối, quán trà đá này tiêu thụ hết cả một thùng 250 lít chứa đá viên. Đáng lưu ý, một số quán bên cạnh không sử dụng đá viên tinh khiết mà dùng đá cây đập vụn cho vào thùng xốp bảo quản để bán cà phê, nước giải khát, trong khi theo quy định đá cây chỉ được dùng để ướp thực phẩm.
Theo thống kê mới đây của Sở Y tế Hà Nội, trên toàn thành phố có vài trăm cơ sở sản xuất nước đá, nhưng chỉ có rất ít cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đầu mùa hè đến nay, Chi cục ATVSTP Hà Nội đã tiến hành xử phạt không ít cơ sở sản xuất nước đá không bảo đảm ATVSTP. Mới đây, cơ quan này đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở sản xuất nước đá dùng liền không thực hiện đúng quy định về chất lượng là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Trung Hiếu (số 14, Chương Dương Độ, Hoàn Kiếm) và Công ty cổ phần sản xuất và dịch vụ thương mại Hoàng Gia Thái Anh (lô B8/D7, Khu đô thị mới Cầu Giấy).
Ngoài những cơ sở sản xuất đá lớn, hiện không thể thống kê hết các cơ sở sản xuất đá tự phát nhỏ lẻ xuất hiện ở nhiều ngõ ngách của Thủ đô. Nguy cơ người Hà Nội giải khát phải đá lạnh mất vệ sinh rất cao.
(Theo Gia Đình & Xã Hội)