Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, những tháng đầu năm 2023, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, cực đoan, đặc biệt là nắng nóng, mưa lũ, sạt lở đất ở khu vực vùng núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Trong 7 tháng đầu năm, ­­­­­cả nước ghi nhận 1.753 sự cố, thiên tai, làm chết 267 người, mất tích 78 người, bị thương 291 người; chìm, cháy, hỏng 302 phương tiện, cháy 628 nhà xưởng; 1.176 ha rừng; sập đổ, tốc mái 9.075 nhà; hư hại 45.536 ha lúa và hoa màu...

Để ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, toàn quốc phải huy động 53.490 lượt người và 3.633 lượt phương tiện các loại, khắc phục 1.753 vụ, cứu được 1.595 người và 178 phương tiện, hướng dẫn và di dời 747 hộ dân với 3.011 người tới nơi an toàn, thông báo hướng dẫn cho 103.898 phương tiện và 754.909 người biết thông tin của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời phòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Hải, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá, trong các đợt thiên tai lớn năm 2023, các địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Tuy nhiên, theo ông Hải, một số nơi người dân vẫn còn chủ quan, xem nhẹ ảnh hưởng, mức độ nguy hiểm của thiên tai nên đã xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người khi đi qua các ngầm tràn, các con suối ngập sâu, nước chảy xiết và bị cuốn trôi, trẻ em bị đuối nước... 

Tại Hội nghị giao ban giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về phối hợp thực hiện Nghị định số 03/2019 của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2023, khi thảo luận về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, một số đại biểu chia sẻ quá trình tuyên truyền, vận động ngư dân đưa phương tiện vào nơi trú ẩn để tránh ảnh hưởng của bão, một số chủ phương tiện cố tình chây ỳ, không tuân theo hướng dẫn.

Thậm chí, một số tàu, thuyền còn trốn kiểm định, tắt thiết bị liên lạc... nên khi có bão hoặc thời tiết xấu không nhận được thông báo, hướng dẫn phòng tránh. Ở trên đất liền cũng không ít người coi thường các khuyến cáo, hướng dẫn về phòng chống thiên tai, chủ quan, coi thường sinh mệnh của bản thân và gia đình; dù ở trong khu vực nguy hiểm nhưng khi được tuyên truyền, vận động vẫn nhất quyết không chịu di chuyển đến nơi an toàn... 

Thực tiễn cho thấy, nếu người dân có ý thức tốt, chủ động, tự giác, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác phòng chống thiên tai thì thiệt hại sẽ được giảm nhẹ và ngược lại. 

Để phòng, chống hiệu quả, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, cùng với thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, việc nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức cảnh giác và tự giác, chủ động phòng ngừa của người dân có vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu người dân không nhận biết được những mối nguy hiểm của thiên tai, không có ý thức phòng tránh, thậm chí cố tình lao vào nơi nguy hiểm để mưu sinh thì chắc chắn sẽ thiệt hại nặng nề.  

Tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, do xảy ra mưa lớn, lốc xoáy nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và nhà ở của người dân, với mức thiệt hại hơn 1,5 tỉ đồng. Những tháng đầu năm 2023, người dân trên địa bàn huyện U Minh không bị ảnh hưởng, thiệt hại nhiều bởi thiên tai. Mặc dù vậy, địa phương vẫn chủ động triển khai các phương án ứng phó với thiên tai, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân.

ca mau ngocthao.png
Đê bao biển ngăn chặn xói lở ở Cà Mau. 

Ở xã ven biển Khánh Hội, người dân nơi đây luôn lo sợ, bất an mỗi khi bước vào mùa mưa bão. Bởi khi đó, bà con không chỉ đối mặt với những cơn dông lốc dữ dội mà còn phải sống trong tình trạng nước biển dâng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản. Năm 2020, nước biển dâng cao đã ảnh hưởng đến khoảng 300 hộ dân trên địa bàn xã với mức thiệt hại hơn 3 tỉ đồng. 

Tình trạng thiên tai diễn ra ngày càng bất thường nhưng nhờ chính quyền địa phương và các ngành chức năng tích cực tuyên truyền, vận động, người dân trên địa bàn xã hiện đã có ý thức chủ động phòng chống nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của mình.

Ông Nguyễn Thành Sơn, ở ấp 3, xã Khánh Hội, cho biết thời gian gần đây, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường. Gia đình ông sinh sống ven biển, buôn bán để kiếm sống qua ngày, càng phải cố gắng tìm cách ứng phó.

Được sự tuyên truyền của địa phương và ý thức của bản thân, mấy năm nay ông và một số hộ dân trong khu vực đã dùng gạch kê cao hơn 0,5 mét rồi đặt kệ, để vật dụng và hàng hóa lên. Qua đó, chủ động phòng chống nước biển dâng, tránh thiệt hại tài sản mỗi khi mùa mưa bão đến.

Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho người dân khi vào mùa mưa bão, UBND huyện U Minh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tích cực thực hiện các giải pháp tuyên truyền đến người dân và triển khai ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là khi bước vào mùa mưa bã.

Để mỗi người dân đều trở thành chiến sĩ trong phòng chống thiên tai, theo các chuyên gia, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi người về phòng chống thiên tai theo phương châm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp.

Cần phát huy vai trò của các tổ chức để tuyên truyền đến từng hộ gia đình, chủ phương tiện, chủ cơ sở, nhất là với những người làm việc, cư trú tại nơi có nguy cơ cao bị thiệt hại do bão lũ, sạt lở đất... Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về phòng chống thiên tai trong các nhà trường, giúp thế hệ trẻ có ý thức và biết cách phòng chống thiên tai từ nhỏ, qua đó, tác động tích cực đến gia đình chủ động phòng chống thiên tai, giữ an toàn cho chính mình.  

Minh An