Trong một nhà nghỉ ở Anand, thành phố nhỏ được biết đến như “thủ phủ sữa” ở bang Gujarat miền viễn tây nước Ấn, có 50 bà mẹ đang mang thai giùm ở với nhau, mỗi người kiếm được 8.000 USD từ một lần mang thai.
Madhu Makwan đề nghị phóng viên dịch tấm bưu thiếp bằng tiếng Anh bà nhận từ một cặp vợ chồng người Canada. Bà vừa trải qua chín tháng mang thai giùm để sinh cho gia đình này một cậu con trai. Tấm bưu thiếp viết: “Không có sự hy sinh giúp đỡ của chị, chúng tôi không thể trở thành một gia đình đúng nghĩa. Xin chị hãy nhớ rằng chúng tôi sẽ nói với đứa trẻ về chị, và về sự đặc biệt của chị với chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ quên chị, chị luôn ở trong tim chúng tôi”.
Makwan sinh đứa trẻ cách đây hai tuần. “Tất nhiên tôi rất buồn, tôi đã mang nặng nó trong chín tháng”, Makwan nói, “Nhưng bà ấy cần đứa trẻ còn tôi cần tiền”. Đẻ mướn đang nở rộ ở Ấn Độ nhờ thủ tục tiện lợi, giá cả phải chăng. Đất nước đông dân thứ hai thế giới là một trong số ít những quốc gia cho phép mang thai giùm với mục đích thương mại.
Trong một nhà nghỉ ở Anand, thành phố nhỏ được biết đến như “thủ phủ sữa” ở bang Gujarat miền viễn tây nước Ấn, có 50 bà mẹ đang mang thai giùm ở với nhau, mỗi người kiếm được 8.000 USD từ một lần mang thai. “Với những người thường không được thấy tiền như tôi thì đó quả là một số tiền trong mơ”, một người phụ nữ tên Manjula chia sẻ.
Đây là lần thứ hai Manjula, 30 tuổi và đã có một trai, hai gái, mang thai giùm kiếm tiền. Trước khi sung vào đội quân này, cô và chồng chỉ kiếm được chưa đầy 2 USD mỗi ngày từ công việc đồng áng. “Lần mang thai đầu, chúng tôi làm được cái nhà”, cô nói, “Còn lần này tôi sẽ có tiền cho con gái mình học hành tử tế, kiếm được tấm chồng tốt”.
Các bác sĩ có kỹ năng đã biến Ấn Độ thành thánh địa cho những cặp vợ chồng muốn tìm người phụ nữ nào đó mang thai giúp họ.
Các bác sĩ có kỹ năng đã biến Ấn Độ thành thánh địa cho những cặp vợ chồng muốn tìm người phụ nữ nào đó mang thai giúp họ. |
Các bác sĩ tay nghề cao đã biến Ấn Độ thành thánh địa cho những cặp vợ chồng muốn tìm người phụ nữ nào đó mang thai giúp họ. Ở nhà nghỉ kể trên, các phụ nữ đẻ mướn được chăm sóc bởi bác sĩ Nayana Patel, bà bắt đầu phát triển dịch vụ này từ năm 2003, sau khi bà giúp một bà ngoại mang thai giúp đứa con gái của mình hai đứa cháu ngoại sinh đôi.
“Tôi mở dịch vụ vì không phải ai cũng may mắn có một bà mẹ, bà chị hoặc người bạn sẵn lòng mang thai giúp họ”, Patel nói. Từ năm 2004 đến nay, trung tâm của Patel đã cho “ra lò” gần 700 đứa trẻ cho 580 cặp vợ chồng.
Ấn Độ đang tiến thêm các bước để quy chuẩn nền công nghiệp đẻ mướn này. Hiện tại, các cặp đồng tính nước ngoài hay những người độc thân không được thuê người đẻ mướn. Nhiều nhà hoạt động xã hội như Ranjana Kumari thuộc viện Nghiên cứu xã hội ở thủ đô New Delhi coi những trung tâm đẻ mướn là nơi bóc lột phụ nữ. Mặc dù, theo phỏng vấn của kênh CNN thì những người ở thành phố Anand nói họ nhận được 8.000 USD cho mỗi ca đẻ mướn nhưng Kumari cho biết, theo thẩm tra từ viện của cô thì mỗi phụ nữ chỉ nhận được có 800 USD, phần tiền còn lại rơi vào chủ các trung tâm môi giới đẻ mướn.
Thực hư ra sao chưa rõ, chỉ biết những phụ nữ như Manjula và Makwan cám ơn dịch vụ này đã giúp họ đổi đời. “Tôi có cơ hội tốt để thay đổi cuộc sống của mình”, quệt nước mắt, Makwan nói, “Tạ ơn các đức thánh thần rộng lượng”.
(Theo SGTT)