Tại cuộc đối thoại "Chiến lược quản trị biển và vấn đề Biển Đông" do Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Úc và Viện KAS phối hợp tổ chức tại Hà Nội sáng 4/12, các chuyên gia, nhà khoa học khuyến cáo Việt Nam cần thay đổi hoặc điều chỉnh “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” được ký hồi năm 2007.
Nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ tài nguyên biển
Mở đầu cuộc đối thoại, Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh, biển có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển về kinh tế cũng như trong vấn đề an ninh quốc gia. Do đó, việc quản lý và khai thác tài nguyên ở vùng biển là một vấn đề cấp thiết, nhất là trong tình hình hiện nay khi việc khai thác tài nguyên diễn ra nhanh chóng nhưng lại không được bảo vệ. Sự khai thác quá mức đã dẫn đến sự xuống cấp nhanh chóng của môi trường biển và cạn kiệt tài nguyên.
Chính vì vậy, chúng ta cần có những động thái để nâng cao nhận thức của những quốc gia có liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ tài nguyên biển.
Theo ghi nhận của TS Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hiệp Quốc, chiến lược biển Việt Nam chú trọng vào phát triển kinh tế với mong muốn đưa Việt Nam trở thành quốc gia đại dương thịnh vượng và giàu mạnh.
Ảnh: Zing |
Tuy nhiên, hồi năm 2007 khi chiến lược phát triển kinh tế biển được thông qua, Việt Nam nhập Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 2 năm sau chuyển Bộ Thủy sản thành Tổng cục Thủy sản. Điều đó cho thấy lúng túng nhất định về chủ trương, chính sách, không có hành động, thiết chế cụ thể".
Trong bối cảnh hiện nay, ngoài phát triển kinh tế, chiến lược cũng phải nhấn mạnh các vấn đề quan trọng khác như môi trường, an ninh... Do đó ông Thao kiến nghị Việt Nam cần thành lập một cơ quan đủ mạnh để thực thi chính sách hiệu quả, đủ thẩm quyền xử phạt những vụ vi phạm xả thải, thực thi các chính sách, cơ chế bảo tồn biển...
Cần một cơ quan chuyên trách
Ý tưởng thành lập một cơ quan chuyên trách về biển đã từng được PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến nghị từ lâu. Theo gợi ý của ông, Việt Nam nên có Bộ Quản lý biển hay cơ quan chuyên trách phát triển kinh tế biển và hướng ra biển.
Ông Chu Hồi từng kể với báo chí rằng, chuyện thành lập một cơ quan cấp bộ để quản lý thống nhất về mặt nhà nước đối với biển, đảo đã đặt ra rất sớm, lúc đó ông đang làm Viện trưởng Viện kinh tế và Quy hoạch của Bộ thủy sản và đã tham gia xây dựng phương án này. Thời điểm đó ai cũng thấy có nhiều bộ quản lý đất liền, nhưng biển hầu như không có lấy một bộ riêng biệt để quản lý nhà nước đối với 3 phần tổ quốc này.
Khoảng các năm 2006 - 2007 quá trình nhập Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp rậm rịch, hé lộ mô hình một Bộ biển gắn với nghề cá, nòng cốt là ngư dân. Nếu ta gắn kinh tế với quốc phòng thì thấy bộ biển và ngư dân không phải là lực lượng bé để tiếp cận ‘chủ quyền dân sự’ trên biển.
Lúc ấy Bộ Thủy sản trình phương án thành lập Bộ biển và Nghề cá. Nhưng ngay trong Bộ Thủy sản khi đó cũng như bên ngoài còn có những ý kiến khác nhau. Khi đó cục diện Biển Đông cũng chưa diễn biến phức tạp như từ năm 2009: Việt Nam công bố thềm lục địa rộng ra 350 hải lý ở hai khu vực, và Trung Quốc sau đó công bố yêu sách phi lý về đường lưỡi bò trên Biển Đông,…
Việt Nam đang rà soát lại Chiến lược biển đến năm 2020
Tại cuộc bàn tròn thảo luận Đối thoại biển lần thứ nhất Chiến lược quản trị biển – Vấn đề Biển Đông, ông Nguyễn Mạnh Đông, Vụ trưởng Vụ Biển, Ủy ban Biên giới cho biết, hiện Việt Nam đang trong quá trình rà soát lại Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Vì từ năm 2007 đến nay đã có nhiều thay đổi tại Việt Nam và quốc tế từ bối cảnh cho đến môi trường chính trị, kinh tế… Với chiến lược được thông qua từ năm 2007, Việt Nam giờ đây phải đối mặt với một số khó khăn, chẳng hạn như liên quan đến tuần tra khu vực lãnh hải, sự phối hợp còn chưa chặt chẽ giữa cơ quan chuyên trách quản lý biển…
Do vậy, “chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 được xây dựng từ năm 2007, đang cho thấy cần phải được sửa đổi”, ông Đông quả quyết.
Hải Đăng - Lan Hương