Hãy bắt đầu bằng những nguyên tắc đơn giản nhất: không gây hại cho người khác để thanh thản nói rằng "tôi là người tử tế!".
2013 là một năm bấn loạn của xã hội Việt Nam. Những sự việc làm đau lòng như bảo mẫu đánh trẻ em, án oan sai do ép cung ông Nguyễn Thanh Chấn, xả lũ theo quy trình gây thiệt hại kinh tế và chết người ở miền Trung, phi tang xác khách hàng sau khi gây tai nạn ở thẩm mỹ viện Cát Tường. Có lẽ, một trong những điểm chung của các vụ việc này là sự thiếu vắng của giá trị sống nhân văn. Nói cách khác, chúng ta đã sống không tử tế với nhau.
Năm 2014 đã đến, hy vọng con người Việt Nam sống tử tế với chính
bản thân mình, gia đình mình, bạn bè, hàng xóm và với những người xung
quanh mình hơn. Điều này nghe có vẻ khó vì chúng ta đang sống trong một
môi trường ô nhiềm về mọi mặt. Nhưng môi trường này do chính chúng ta
tạo ra, nên hãy thay đổi nó từ chính mỗi người.
Sống tử tế,
trước hết là sống thật với chính bản thân mình, làm những điều mình cho
là đúng và nói những điều mình suy nghĩ. Như đạo diễn điện ảnh Trần Văn
Thủy đã nói, tạo hóa cho mỗi người một cái mồm để nói điều mình nghĩ, chứ không phải để nói điều "thằng khác" nghĩ.
Nếu chúng ta mãi nói dối, tôn vinh những giá trị ảo và không thật thì
chúng ta góp phần vào duy trì những điều dối trá và tệ hại trong xã hội.
Để cuối đời khi gần đất xa trời mới thấy hận vì mình không dám sống
thật là mình. Như vậy, hơn lúc nào như lúc này, hãy khởi đầu việc sống
tử tế bằng cách nói những điều thật lòng.
Đổ xe cá nhưng không xảy ra "hôi của", mọi người giúp chủ hàng thu gom cá rơi. Ảnh: Tiền phong |
Sống tử tế là bao dung với những điều khác biệt trong xã hội. Bao dung
và tôn trọng những khác biệt chính là tạo môi trường cho những sáng tạo
và đột phá, vì chẳng có sự phát triển nào không cần những cái mới, chẳng giải pháp nào cho vấn đề hiện tại dựa được vào lối suy nghĩ cũ
như Albert Einstein đã nói. Nếu kỳ thị, chối bỏ hoặc trừng phạt người
khác vì họ nghĩ không giống mình, quan điểm khác mình thì vô hình chung
đã vi phạm giá trị đạo đức. Con người chẳng ai giống ai và con người có
quyền được là chính mình, đó cũng là sự đa dạng tự nhiên và cần thiết để
xã hội phát triển.
Sống tử tế là tôn trọng con người, không
sử dụng con người để phục vụ cho lợi ích của mình, dù đó là lợi ích cá
nhân hay tập thể. Việc hy sinh cá nhân để phục vụ quyền lợi của tập thể
chỉ là ngụy biện, vì đã là con người thì không thể hy sinh để phục vụ
cho người khác, đặc biệt, khi những quyền lợi tập thể thật mơ hồ, nhiều
khi đánh đồng với quyền lợi một nhóm nhỏ thâu tóm quyền lực hơn là quảng
đại quần chúng. Chính vì vậy, sống tử tế là tôn trọng quyền con người,
coi mỗi người đều là bình đẳng, lợi ích phải được tôn trọng và bảo vệ
như nhau.
Sống tử tế cũng là đứng đúng chỗ của mình trong xã
hội. Công an giao thông đứng ở trên bục để điều hành dòng xe thông suốt,
hơn là đứng khuất sau ngã tư để rình bắt người vi phạm. Giáo viên đứng
trên bục giảng ở trường để truyền cảm hứng học hỏi, hơn là tập trung dạy
thêm ở nhà kiếm tiền. Bác sĩ đứng đúng chỗ của mình là bên giường bệnh,
chứ không phải ở quầy dược phẩm để kê đơn lấy tiền hoa hồng của hãng
dược. Mỗi người làm tròn bổn phận của mình, đối đãi đúng mực với người
khác thì cũng đồng nghĩa mình được đối xử tử tế bởi người khác.
Sống tử tế, suy cho cùng là sống tự do theo cách mình mong muốn. Đừng
để những khuôn mẫu, những bạo quyền, và nỗi sợ cướp đi nhân phẩm của
mình. Tin là thấy, hãy tin vào bản chất tốt của con người, và con người
có quyền đặt ra những nguyên tắc sống cho mình. Hãy bắt đầu bằng những
nguyên tắc đơn giản nhất: không gây hại cho người khác để thanh thản nói
rằng "tôi là người tử tế!".
Lê Quang Bình (Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường - iSEE)