- Đề thi môn lịch sử bám sát thời sự Biển Đông là nhận xét của thí sinh và giáo viên sau khi kết thúc hai môn thi lịch sử chiều 2/6. Ở môn thi vật lí nhiều thí sinh than đề khó. 


{keywords}
Ảnh Lê Huyền

Nhận định về đề thi môn lịch sử, thí sinh, Đinh Thị Thu Hiền cho hay,  đề thi môn lịch sử nhẹ nhàng, ba câu hỏi được phân bố chia điểm tương đối, nếu làm được hai câu cũng sẽ đạt điểm trên trung bình.

Tại hội đồng thi Gia Định (Bình Thạnh, TP.HCM) thí sinh Thu Trang chia sẻ, đề thi không khó. Câu hỏi “Tại sao Liên Hợp Quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình? Từ nguyên tắc này, hãy liên hệ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay" có tính thời sự. Với câu hỏi này, ngoài sách giáo khoa có thể tìm hiểu qua sách báo, và các phương tiện khác, bất kì một học sinh nào cũng không thể bỏ qua vấn đề này.

Cô Châu Thủy Tiên –Trung tâm Luyện thi đại học Miền Đông – Sài Gòn cho biết, đề thi năm nay câu 1 và câu 2 mang tính khái quát. Riêng câu 3 mang tính thời sự và lý luận rất cao. Tuy không bất ngờ, nhưng cách ra đề của câu 3 là một điểm mới trong đề thi lịch sử năm nay.

Để làm được câu 3b, học sinh phải quan tâm đến tính hình thời sự diễn ra hàng ngày trên Biển Đông, đồng thời phải liên hệ thực tiễn hiện tại để có câu trả lời phù hợp. Học sinh khó đạt điểm tối đa nếu không theo dõi sát tình hình biển đông và các quy tắc ứng xử của Công ước Luật biển năm 1982.

Thầy Nguyễn Đình Phúc, Nghệ An cho hay so với các năm trước đề thi năm nay không mới, cách thức ra đề cũng thuộc dạng học thuộc. Với kiểu ra đề như thế này, e rằng khó thay đổi được cách thức dạy và học đối với môn Lịch sử.

GS Đỗ Thanh Bình (khoa Sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng cho hay, đề thi năm nay 2 câu đầu (7 điểm) chủ yếu hỏi kiến thức học thuộc lòng, thí sinh chỉ cần ghi nhớ là làm được. Nội dung câu hỏi không quá khó, vừa phải nên dễ dàng đạt điểm cao.

Câu 3 (3 điểm) được GS Bình đánh giá là hay vì có phần hỏi về Liên Hợp Quốc. Việc trình bày những nguyên tắc hoạt động của tổ chức này trong đó lấy giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình rồi gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của VN rất sát với thực tế. Hơn nữa nội dung hỏi khá vừa phải và vẫn đảm bảo bám sát chương trình sách giáo khoa.

Với việc chỉ có gần 12% học sinh lựa chọn thi môn sử, GS Bình cho rằng đây phần lớn là những em học khối C (định hướng thi vào đại học, cao đẳng) nên mức điểm của thí sinh sẽ từ 6-7 điểm trở lên, điểm 8-9 cũng sẽ nhiều.

Môn vật lý: Thí sinh khó làm hết cả đề

Thí sinh Phạm Ngọc Liên Vi, hội đồng thi THPT Phú Nhuận TP.HCM cho biết, 15 phút sau khi kết thúc thời gian làm bài môn vật lý, nhiều thí sinh thở phào vì đề khá dễ.

Tuy nhiên, các thí sinh tại Hội đồng thi trường THPT Gia Định chia sẻ đề khó hơn với những kiến thức đã được học trên lớp. Một số câu hỏi đòi hỏi phải mất thời gian tính toán.

Thạc sĩ Trần Minh Quốc, giáo viên dạy vật lý ở TP.HCM cho hay, đề thi năm nay mang tính phân loại cao, để đạt điểm cao thí sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản và vận dụng các công thức vào làm bài, do với thời gian làm bài ngắn, thí sinh khó có thể làm hết cả đề. Trong đề thi xuất hiện nhiều phép tính toán, các thí sinh chủ quan chỉ học lý thuyết sẽ mất điểm ở đây.

Thầy Hồ Trung Dũng cũng cho hay, nhìn chung đề vật lý chiều nay có một số đáp áp dễ gây rắc rối cho thí sinh. Thí sinh phải tính toán cẩn thận để có đáp án chính xác. Một số câu có tính phân loại thí sinh cao, do vậy thí sinh chỉ đạt mức điểm từ trung bình đến khá. Thí sinh làm bài đạt khoảng 60% trở lên. Đề khá dài cho 60 phút.

“Kiến thức đề thi năm nay chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, các em chỉ cần hiểu rõ định luật, định lí, tính chất, đơn vị đại lượng vật lí và các khái niệm có thể đạt điểm cao. Tuy nhiên trong đề có khoảng 4-5 câu khó, đòi hỏi thí sinh phải tính toán và nhạy bén trong cách làm bài” - lời thầy Dũng.

  • Lê Huyền - Văn Chung