- Câu hỏi phần nghị luận xã hội của đề thi môn Ngữ văn ĐH khối C năm nay yêu cầu thí sinh bình luận về sức mạnh chân chính của mỗi con người cũng như của một quốc gia.

Giàu nhân văn, bớt triết lí

Trích hai câu trong truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao ở sách Ngữ văn lớp 11 "Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai mình", đề thi đặt vấn đề cho thí sinh suy nghĩ về điều làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người cũng như của một quốc gia. Bài luận này sẽ viết khoảng 600 từ với mức điểm tối đa là 3.

PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) hào hứng:

"Tôi đặc biệt đánh giá cao sự sáng tạo ở câu 2 đề khối C. Câu hỏi đặt ra vấn đề kẻ mạnh kẻ yếu, là vấn đề của con người cá nhân nhưng đồng thời cũng là vấn đề của quốc gia. Ở đây, tính thời sự được nâng cao tầm vóc và có chiều sâu. Điều nay nghĩa là Văn học có nhiều tầng nghĩa khác nhau, một câu nói, một tác phẩm có thể hiểu ở nhiều cấp độ khác nhau".

Không chỉ đề cập tới vấn đề thời sự, đề thi còn hướng tới những giá trị muôn đời, có khả năng định hướng cách suy nghĩ tới học sinh về lối sống, cách sống tích cực. Tính nhân văn sâu sắc được thể hiện ở điểm này", trao đổi với VietNamNet sau khi xem các đề thi khối C, D, nhiều giáo viên văn cho biết như vậy.

Tại điểm thi Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), sau khi rời phòng thi, nhiều sĩ tử nhận xét câu hỏi về "sức mạnh chân chính là "hay, thú vị, hợp thời".

"Em đã nêu bối cảnh Trung Quốc xâm chiếm vùng biển Việt Nam hiện nay vào trong bài để phân tích về sức mạnh chân chính của các quốc gia. Theo em, để làm nên sức mạnh ấy, mỗi đất nước cần có tinh thần dân tộc, mục đích chính đáng, tình yêu thương con người và sự tôn trọng các quốc gia khác" - thí sinh Nguyễn Thị Tính (Bắc Giang) nói.

Cũng ở hội đồng thi này , thí sinh là nhà sư Thích Quảng Thạc tấm tắc "câu hỏi nghị luận xã hội rất hay. Bài làm cần phân tích được chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa nước lớn trong tình hình biển Đông căng thẳng hiện nay. Đồng thời, đề cho phép thí sinh thoải mái nêu quan điểm. Tuy nhiên, ý hỏi về chủ nghĩa cá nhân có thể gây khó dễ cho người làm, bởi: "mỗi người viết có một suy nghĩ, một quan điểm khác nhau và không biết có hợp với người chấm".

Nếu như ngữ liệu của phần nghị luận xã hội ở đề thi khối C được lấy từ một tác phẩm trong sách giáo khoa, thì ở khối D lại là một "quan niệm xã hội".

Câu hỏi  như sau: Có ý kiến cho rằng: "Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa" là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến trên không?

"Tôi thích 2 câu nghị luận xã hội, vừa kiểm tra được chiều sâu tư duy, cách phát hiện vấn đề của học sinh, lại không lạc lõng với cuộc sống và không quá nặng tính tư tưởng, triết lí như những đề văn trước" - cô Trang Nhung, giáo viên Trường THPT Lê Viết Tạo, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bày tỏ.

{keywords}
Thí sinh dự thi ĐH năm 2014

Đòi hỏi sáng tạo

Ở phần nghị luận văn học (mỗi đề thi có 2 câu thuộc phần này, chiếm 7/10 điểm), cô giáo Trang Nhung  phân tích kỹ hơn: Cấu trúc, cách đặt vấn đề đã xuất hiện trong các kỳ thi trước, không phải là bất ngờ quá, nhưng có ưu điểm là hạn chế học tủ, học vẹt, bớt học sinh tư duy.

Đề thi đã  yêu cầu học sinh có kỹ năng giải quyết vấn đề, định hướng được cách xử lý vấn đề rồi mới huy động kiến thức làm bài.

Lượng kiến thức ở đây cũng không phải là học thuộc theo kiểu mảng miếng mà học sinh phải biết lựa chọn, phân tích, khái quát vấn đề theo những luận điểm, phải có sự thể hiện ý kiến cá nhân của mình, bằng cảm nhận riêng của mình. Đây chính là yếu tố mở, học sinh phát huy năng lực (năng lực thu thập thông tin, dẫn chứng xử lý dữ liệu).

Cô Vân Thanh, một giáo viên dạy văn giỏi ở Ninh Bình nhìn nhận: Đề thi có sự phân hóa tương đối rõ. Thí sinh có học lực khá khả năng đạt được mức điểm 5 -6 điểm. Những thí sinh có cá tính, nhìn riêng, sắc sảo, có sự nhạy bén trong cảm thụ văn học sẽ có được "đất" để ghi điểm cao hơn.

Cô giáo Vân Thanh phân tích thêm:

Với đề thi ở khối C, thí sinh sẽ khó nhớ dẫn chứng, vì tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" có giọng văn tương đối đồng nhất.  Trong quá trình học và luyện thi, ở tác phẩm này, học sinh thường vật vã về dẫn chứng do thường nhầm lẫn đoạn này với đoạn kia.

Còn câu hỏi chiếm 5 điểm ở đề thi khối D có ngữ liệu là bài thơ "Đàn ghi ta của Lor-ca"  là thể loại thơ siêu thực, tượng trưng, chính giáo viên cũng rối trong việc bóc tách rõ ràng các hình tượng để học sinh tiếp cận đơn giản nhất.

Đặc biệt, cô Vân Thanh đánh giá cao cách hỏi ở câu số 3, là câu chiếm nhiều điểm nhất (5 điểm): Hướng giải quyết vấn đề đưa ra tưởng là mâu thuẫn nhưng là bổ sung cho nhau. Cách thức đặt vấn đề của đề đòi hỏi một góc nhìn khác trên nền kiến thức cũ. Vì thế, khi làm bài, thí sinh cần xử lý vấn đề theo cấu trúc khác, chứ không nhất thiết theo lối "mở bài - thân bài - kết luận".

Điều này cũng được ghi nhận từ các trao đổi nhanh của VietNamNet với các thí sinh sau khi kết thúc buổi thi.

Hoàng Thị Tình, thí sinh thi vào ngành Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) nhăn mặt nói: "Bài "Ai đã đặt tên cho dòng sông" quá sâu sắc, đầy triết lý nên khó phân tích. Em chẳng tự tin với bài làm ở câu hỏi này. Các bạn trong phòng em cũng kêu đề nghị luận văn học khó quá. Nhiều bạn không làm bài được đã nộp giấy ra sớm".

Còn  thí sinh Thu Phương thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền hơi buồn vì cho rằng đề khó vì câu hỏi (câu 1) về tác phẩm "Đò lèn" là bài đọc thêm. Còn câu hỏi (câu 3) về tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" thì trong khi ôn luyện, các thầy cô không nhắc đến.Phương đoán "trong thời điểm này, đề thi sẽ ra vào các tác phẩm như "Đất nước" hoặc "Rừng Xà Nu"...

Cùng chung nhận xét, Đỗ Thị Thu Hà (Hà Nam) cho hay, đề Ngữ văn của khối C có câu 1 khó vì đây là bài đọc thêm. Hà cũng hơi bất ngờ vì câu 3.

Song Nguyên - Văn Chung  - Ngân Anh - Lê Huyền

Câu II (3 điểm)

Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai mình.

                                           (Đời thừa - Nam Cao, Ngữ văn 11 Nâng cao,
                                         Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam 2013, tr. 203 - 204)

Ý kiến trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về điều làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người cũng như của một quốc gia (bài viết khoảng 600 từ).