- Đề thi học kỳ II chung cho tất cả các trường tiểu học ở TP.HCM: “Tả cảnh trường em sau buổi học” dành cho lớp 5 đã bị nhiều học sinh và phụ huynh cho rằng mơ hồ đối với lứa tuổi tiểu học, trong khi nhiều phụ huynh và giáo viên khác thấy không có gì khó hiểu.

Độ nóng của tranh cãi này càng tăng khi TP.HCM dùng điểm kiểm tra này để làm cơ sở xét tuyển vào lớp 6.

Nguồn ảnh: benconmoingay

Ra đề mơ hồ hay học sinh kém

Với người lớn, không có gì khó khi phân biệt buổi học với tiết học. Ai cũng biết sẽ phải tả cảnh trường khi buổi học (có thể là hết buổi sáng hay hết buổi chiều) mà sẽ không tả cảnh trường sau một tiết học (tức giờ ra chơi).

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại cho rằng, với lứa tuổi lớp 5, các em sẽ không phân biệt được buổi học với tiết học, do vậy, nhiều em lại tả giờ ra chơi.

Trên diễn đàn của nhiều báo, số lượng người cho rằng đề này bình thường xấp xỉ bằng số lượng độc giả cho rằng đề này “bất thường” với học sinh.

Một độc giả của báo Tuổi Trẻ cho biết: “Chắc chỉ có những phụ huynh có con em vô tình làm đúng đề mới cho rằng đề bài hay. Tôi nói vô tình vì rõ ràng ở lứa tuổi này các em không thể hiểu được thế nào là 1 buổi, 2 buổi hay... nửa buổi.

Khái niệm "buổi" ở đây chỉ là do các em nghe quen do người lớn sử dụng chứ không phải do các em được học định nghĩa "buổi" là gì. Thử hỏi cấp tiểu học từ ngữ các em đâu hiểu chính xác, mọi từ có thể hiểu nhiều nghĩa đều phải được cân nhắc khi ra đề.”

Độc giả khác phản pháo lại: “Học sinh không phân biệt được thế nào là buổi học thế nào là tiết học thì đó là lỗi của ai? Đề như thế không thể gọi là đánh đố vì hai khái niệm đó rất rõ ràng. Không ai gọi kết thúc tiết học là kết thúc buổi học cả.

Một ngày chỉ có 4 buổi sáng, trưa, chiều, tối. Không thể nào gọi tiết học là một buổi học cả. Nếu ai thắc mắc xin xem lại từ điển tiếng Việt. Học sinh không hiểu được có hai người phải chịu trách nhiệm là giáo viên giảng dạy và phụ huynh.”

Một độc giả khác đồng tình: “Các bạn cứ nói học sinh không phân biệt được một trong những từ đơn giản là buổi học thì các em nên xem mình có đang học đúng lớp hay không. Đề cho như thế đã làm cho ta thấy những khuyết điểm về tiếng Việt của học sinh.

Không những thế mà còn tình trạng học bài mẫu để làm bài để rồi khi học lên ĐH ngay cả một báo cáo cũng không biết viết thế nào, các từ đơn giản cũng viết sai. Phụ huynh cứ bảo vệ cho con em mình nhưng các vị có biết hậu quả của việc bảo vệ đó không.”

Lỗi tại học “tủ”

Chị Lan Phương, có con đang học tiểu học ở Anh cho biết, chính cách dạy theo kiểu áp đặt mới dẫn tới những tranh luận như trên.

Giáo dục ở các nước phát triển, người ta không bắt các em phải viết văn theo đúng barem chấm điểm, mà chấm theo kiểu: cách học sinh lập luận một vấn đề như thế nào mới là quan trọng. Nếu vấn đề A là đúng thì các em phải lập luận chứng tỏ nó là đúng hoặc ngược lại. Không chỉ như vậy, các em còn phải nói thêm, nếu có người hiểu khác với suy nghĩ của em thì tại sao (cách này cho điểm rất cao). Như  vậy, HS không bao giờ suy nghĩ một chiều về một vấn đề.

Đồng thời, tôn trọng suy nghĩ của các em quan trọng hơn việc thầy (cô) suy nghĩ thế nào.

Giáo viên của một trường tiểu học cho biết: vì áp lực thành tích lên vai mỗi giáo viên, nên các cô giáo dạy văn phải chọn một cách an toàn: với một đề văn thì cô hướng dẫn cả lớp làm theo mẫu cô gợi ý, nhất là những đợt kiểm tra “nhạy cảm”, vì thế mới có chuyện, bài văn cả lớp kiểm tra một tiết vừa qua na ná như nhau.

"Việc HS làm văn chưa tốt không phải do đề văn mà là do phương pháp dạy tập làm văn của chúng ta đang có vấn đề" -  Bà Mai Nhị Hà


Bà Mai Nhị Hà, chuyên viên Phòng tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng công nhận một thực tế: “Việc HS làm văn chưa tốt không phải do đề văn mà là do phương pháp dạy tập làm văn của chúng ta đang có vấn đề. Dạy tiểu học rất vất vả, một giáo viên chủ nhiệm dạy học sinh tất cả các môn học, chưa kể tới việc học sinh đông, lớp chật chội, thời tiết nóng,... và đặc biệt - mức lương rất thấp.

Trong bối cảnh như vậy, giáo viên chúng ta dạy tập làm văn nghiêng nhiều sang thói quen dạy văn mẫu - thay vì dạy học sinh phương pháp làm bài văn tả theo dạng đề mở.

Ví dụ : đề bài SGK đưa ra "Em hãy tả một con vật mà em yêu thích", thay vì mỗi em sẽ tả một con vật mình thích riêng thì đa phần GV hướng học sinh trong cả lớp tả một con vật như con mèo (hoặc con gà,...). Tại sao lại như vậy ? Như vậy để GV chúng ta đỡ mất thời gian chữa từng bài cho học sinh, đỡ mất thời gian tìm tư liệu,..."

Độc giả Hoàng Thuỳ Vinh chia sẻ: “Chẳng qua giáo viên thường cho chép văn mẫu, học sinh học thuộc lòng văn mẫu nên khi gặp đề hơi khác một chút là không làm được. Điều này giải thích rất rõ tại sao khi lên cấp 3 học sinh không biết phân tích đề và làm văn. Tôi ủng hộ cho việc ra đề mở, đòi hỏi học sinh suy luận, vừa tránh học thêm, dạy thêm, vừa phân loại được học sinh. Đừng ra mãi những đề cũ mèm nữa.”

  • Tú Uyên


Phòng tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn chấm bài thi “Tả cảnh trường em sau buổi học” như sau:

"Tùy theo điều kiện học tập ở mỗi nơi, mỗi trường ở các địa phương khác nhau (thành thị, nông thôn...), học sinh có thể chọn thời điểm để miêu tả: sau buổi học (sáng hoặc chiều) học sinh ra về.

"Trường hợp học sinh hiểu nhầm sau nửa buổi học được ra chơi nên tả cảnh giờ chơi, giám khảo cần trao đổi với hội đồng để có đánh giá chính xác về năng lực viết văn miêu tả của học sinh".

"Trẻ ở tiểu học luôn kết hợp giữa tả và kể. Giám khảo không nên đánh giá sự rạch ròi về thể loại khi cho điểm".

"Giám khảo cần ghi nhận sự hồn nhiên, chân thật của trẻ để cho điểm phù hợp".