Quá trình hội nhập quốc tế cho thấy được sức hấp dẫn, vai trò của văn hóa và chính những giá trị văn hóa là một cầu nối quan trọng để Việt Nam hội nhập quốc tế thành công, làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đối với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, hội nhập quốc tế hiện nay cũng đặt ra không ít thách thức cần giải quyết, như tư tưởng, thái độ sùng ngoại một cách lệch lạc; sự mai một bản sắc văn hóa, nhất là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số; một số lối sống không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc…
Trong bối cảnh đó, theo PGS, TS. Cao Thu Hằng, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong xây dựng nền văn hóa mới, con người mới trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng cần nhận thức đúng về xây dựng nền văn hóa mới, con người mới trong hội nhập quốc tế là “xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” và “phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại”.
Các cấp ủy, chính quyền nhận thức sâu sắc, quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế, về xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, như Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Quyết định số 40/QĐ-TTg, ngày 7-1-2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12-11-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”…
Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, cần xử lý tốt mối quan hệ giữa việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam với tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại. Để thực hiện được điều này, cần có sự đánh giá tổng thể hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam; qua đó, rút ra được những cái hay, cũng như những điểm chưa phù hợp với tiến trình xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Mặt khác, cũng cần nghiên cứu những giá trị văn hóa của thế giới, những yêu cầu của tiến trình hội nhập quốc tế; trên cơ sở đó, nghiên cứu lựa chọn, tiếp thu những giá trị phù hợp. Việc xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị, văn hóa con người Việt Nam cần tính đến sự lựa chọn và lan tỏa của giá trị cốt lõi cần xây dựng là yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, sáng tạo, hiện đại…
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.
Giáo dục có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và xã hội. Giáo dục chính là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Nhờ có giáo dục, mỗi cá nhân, mỗi thế hệ mới nhận thức sâu sắc, kế thừa những di sản, những giá trị văn hóa đáng tự hào mà cha ông để lại. Cũng nhờ có giáo dục, mỗi cá nhân có thể tiếp thu được tri thức của nhân loại để hòa nhập vào đời sống xã hội, phát triển toàn diện năng lực của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của giáo dục: “Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”(10), “Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”.
Giáo dục là nền tảng cơ bản giúp xây dựng nền văn hóa mới, con người mới Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong quá trình này, cần chú ý xây dựng triết lý giáo dục phù hợp; “xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo”, “tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế”, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo nhằm thu hút các nguồn lực trong nước và ngoài nước…, để qua đó, “đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”.
Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh.
Môi trường văn hóa có vai trò quan trọng trong xây dựng nền văn hóa mới, con người mới trong hội nhập quốc tế. Một môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh sẽ hình thành nên những quan hệ văn hóa lành mạnh. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là tạo điều kiện để những giá trị văn hóa tốt đẹp được nảy nở, phát huy; làm cho văn hóa Việt Nam có khả năng “đề kháng” với những tác động phản văn hóa từ bên ngoài, giữ vững những giá trị và bản sắc bên trong.
Sức đề kháng đó chỉ có được khi bản thân nền văn hóa, con người Việt Nam, các yếu tố cấu thành nên môi trường văn hóa có được sức mạnh, bản lĩnh nội tại. Cần xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh từ trong gia đình, nhà trường đến toàn xã hội; “xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý…, xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn… Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”.
Như Quỳnh, Minh Hưng, Anh Duy