Nhấn mạnh, văn hóa là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, PGS, TS Vũ Trọng Lâm phân tích:
Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa có thể chuyển hóa thành lực lượng vật chất trong quá trình con người tìm hiểu và cải tạo thế giới, do đó, có tác động quan trọng đến sự phát triển xã hội và sự trưởng thành của cá nhân.
Trong thế giới ngày nay, văn hóa, kinh tế, chính trị luôn đan xen với nhau, và văn hóa là một lĩnh vực quan trọng, có vị trí đặc biệt trong cuộc cạnh tranh về sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia, các ngành công nghiệp văn hóa là một lĩnh vực đặc biệt, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa có giá trị xã hội, nhân văn. Vì vậy, kể từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng sự phát triển của văn hóa dân tộc, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Do đó, mỗi người dân cần nhận thức rõ trọng trách phát huy và phát triển văn hóa dân tộc. Điều này thể hiện ở tình cảm yêu nước nồng nàn, lòng tự tôn dân tộc của nhân dân Việt Nam, đồng thời có trách nhiệm thúc đẩy phát triển văn hóa nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng. Sức mạnh văn hóa là một phần quan trọng sức mạnh tổng thể của quốc gia. Khi văn hóa mai một thì sức mạnh kinh tế cũng bị suy yếu, kìm hãm sự phát triển kinh tế nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Nếu không hướng đến mục tiêu văn hóa thì mọi nỗ lực phát triển kinh tế sẽ trở nên vô nghĩa. Do vậy, cần phải phát triển mạnh mẽ văn hóa.
Có thể nói, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một “mặt trận” để chúng ta tham gia vào cuộc cạnh tranh toàn cầu. Điều này đặt ra yêu cầu đối với Nhà nước là cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ về tài chính cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Chính phủ và chính quyền các địa phương cần thành lập các quỹ hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; thực hiện các chính sách về giảm và miễn thuế đối với các ngành công nghiệp văn hóa. Hướng dẫn các tổ chức tài chính, ngân hàng đổi mới hệ thống quản lý tín dụng thích ứng với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời thúc đẩy sự thích ứng của các ngành công nghiệp văn hóa với các sản phẩm sáng tạo; xây dựng cơ chế bảo hiểm để hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa phát triển...
Để hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa vươn ra toàn cầu, các ngành, các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách hoàn thiện hệ thống tài chính, thuế và mở rộng mạng lưới ngoại thương văn hóa, tích cực mở rộng đầu tư ra nước ngoài... Trong thời gian tới, một mặt, cần tiếp tục phát triển và bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi công cộng, bảo vệ các quyền và lợi ích cơ bản về văn hóa của nhân dân; mặt khác, đẩy nhanh phát triển công nghiệp văn hóa để sớm trở thành ngành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng đa dạng của nhân dân; đồng thời, cần nâng cao sức mạnh mềm văn hóa của đất nước.
Trên thực tế, bất kể từ góc độ văn hóa (về nội dung, công nghệ truyền thông, chủ trương văn hóa,...) hay từ góc độ phúc lợi công cộng văn hóa, công nghiệp văn hóa, phải đặt lợi ích xã hội lên hàng đầu, tránh tâm lý đầu tư phát triển theo số đông và chỉ coi trọng tăng trưởng kinh tế; xây dựng hệ thống chính sách và kết cấu hạ tầng để thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng theo hướng bền vững.