- Tình yêu thương con người qua hai hình ảnh và câu chuyện về hai trái tim của chàng trai và một cụ già trích trong “Quà tặng cuộc sống” đã được đưa vào đề thi vào lớp 10 chuyên Văn của Hà Nội.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

10h30 sáng 23/6 các thí sinh hoàn thành xong bài thi môn cuối kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khối THPT chuyên tại Hà Nội.

Thí sinh kết thúc bài thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên tại Hà Nội.

Trường THCS Ba Đình, quận Ba Đình là một điểm thi của Trường THPT Chuyên Chu Văn An. Kết thúc môn thi Văn nhiều học sinh bước ra với gương mặt phấn khởi.

Đề thi môn Văn sáng nay có 2 câu hỏi, trong đó câu hỏi nghị luận xã hội chiếm tới 4 điểm trên tổng số 10 điểm.

Thanh Hương, học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm tươi cười cho biết: “Đề thi môn Văn năm nay khá thú vị. Kiến thức cơ bản, phần nghị luận xã hội hỏi về tình yêu thương con người rất thiết thực, đáng phải suy nghĩ”. Em dành 60 phút trong tổng thời gian 150 phút để làm câu hỏi này.

Trong bài viết Thanh Hương chú ý nêu những dẫn chứng từ trong cuộc sống quanh mình và một số ví dụ về chuyện bạo hành gia đình, tình yêu vợ chồng, con cái mà báo chí đã từng nói đến.

“Tình yêu thương giữa người với người hay ở đây là giữa các thành viên trong gia đình với nhau chính là những gì gần gũi nhất. Ai cũng có thể bày tỏ quan điểm và suy nghĩ. Những điều em viết ra đều là sự thật và cảm nhận của em về cuộc sống” – Thanh Hương tâm sự.

Một học sinh Trường THCS Ái Mộ (quận Long Biên) cho biết: “Em còn lấy thêm ví dụ từ các tác phẩm văn chương. Ở gần chùa Bồ Đề nên em có kể nhiều về những câu chuyện xúc động của các nhà sư chăm sóc trẻ mồ côi tại đây”.

Theo nhiều học sinh mặc dù là đề mở nhưng các em không bất ngờ vì đã được làm quen với dạng đề như thế này ở trong nhà trường. Phần câu hỏi về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh cũng khá trọng tâm nên các em hy vọng có thể đạt điểm 7 trở lên.

  • Văn Chung

ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN VÀO LỚP 10 CHUYÊN THPT TẠI HÀ NỘI

Câu 1 (4,0 điểm)

Một chàng trai đứng giữa thị trấn và tuyên bố trái tim mình đẹp nhất vì nó chẳng có tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông cho rằng đó là trái tim đẹp nhất. Một cụ già xuất hiện và nói rằng trái tim mình đẹp hơn. Chàng trai và mọi người ngắm trái tim đang đập mạnh mẽ, đầy sẹo lởm chởm, rãnh khuyết,…Anh khẳng định trái tim mình hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá nhiều vết cắt. Cụ già nói:

-         Mỗi vết cắt trong trái tim tôi tượng trưng cho một người tôi yêu…Tôi lấy một phần trái tim mình trao cho họ, thường họ cũng trao một phần tim của họ để tôi lắp vào. Nhưng những phần tim chẳng hoàn toàn giống nhau: cha mẹ trao cho tôi phần lớn hơn tôi trao cho họ, ngược lại với phần tim của tôi và con cái tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến. Thỉnh thoảng tôi trao phần tim của mình nhưng không nhận được gì nên tim có vết khuyết. Dù đau đớn nhưng tôi luôn hy vọng ngày nào đó những rãnh khuyết sẽ được bù đắp…

Những giọt nước mắt lăn dài trên má, chàng trai bước tới, lấy một phần trái tim mình trao cho cụ. Cụ cũng lấy một phần trái tim đầy vết sẹo trao cho chàng trai. Chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp, tạo nên những đường lởm chởm trên trái tim chàng trai. Trái tim anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết…

 (Phỏng theo Quà tặng cuộc sống, báo Tuổi Trẻ - NXB Trẻ, 2004)

Câu 2 (6,0 điểm)

Trong tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ, Nguyễn Đình Thi khẳng định: “Cái tư tưởng trong nghệ thuật là một tư tưởng náu mình, yên lặng”. Giải thích ngắn gọn nhận định trên và làm sáng rõ tư tưởng “náu mình, yên lặng” trong bài thơ Sang thu (Hữu Thỉnh).