Quy định về phê duyệt kịch bản từng nội dung game đang bộc lộ nhiều bất cập. |
Trước thực tế quy định game online G1 thuộc diện phải được phê duyệt kịch bản từng trò chơi đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho các doanh nghiệp game online khi đầu tư phát triển các game mới. Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ đô Multimedia mới đưa ra đề xuất thay đổi quy định này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, hiện nay mỗi ngày trên toàn cầu có hàng chục ngàn trò chơi trực tuyến được xuất bản và tại Việt Nam 1 ngày cũng có đến hàng trăm trò chơi mới ra đời. Việc quy định phê duyệt kịch bản từng trò chơi do vậy cũng bộc lộ nhiều bất cập, vì khối lượng sản phẩm là quá lớn. Hơn thế nữa, không phải sản phẩm trò chơi nào ra thị trường cũng thành công, tuổi đời của game ngắn, đợi được nhà nước xét duyệt xong thì trò chơi cũng đóng cửa. Đó là còn chưa kể đến sự bất bình đẳng là các sản phẩm trò chơi ở trong nước thì bị quản lý, trong khi các trò chơi ở nước ngoài thì không bị bất cứ chế tài nào.
Do đó, ông Ngọc Hân đề xuất: "Việt Nam nên áp dụng chính sách quản lý nội dung game giống như ở hầu hết các nước trên thế giới đang áp dụng. Theo đó, chỉ quy định các nội dung không được phép hoặc hạn chế sản xuất, tạo thành một hành lang pháp lý rõ ràng cho ngành game". Đồng thời, áp dụng việc các doanh nghiệp tự báo cáo định kỳ, cam kết về tính trung thực trong báo cáo kết hợp thanh kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên nếu đơn vị nào vi phạm có thể bị phạt rất nặng và rút giấy phép ngay lập tức. Chính việc áp dụng hành lang rõ ràng và tương tác thẩm tra hai chiều như trên, sẽ giúp cho môi trường kinh doanh trò chơi trực tuyến tự trong sạch và đảm bảo tính minh bạch cao nhất.
Đồng tình với các ý kiến đề nghịbãi bỏ giấy phép phê duyệt kịch bản nội dung game, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Giám đốc VTC Mobile đề xuất: “Dùng phương án hậu kiểm để quản lý game là khả thi nhất”. Ông Bảo cho rằng, game cũng là một loại phần mềm trong lĩnh vực CNTT, được làm ra để đáp ứng nhu cầu giải trí của con người. Mặt khác, game cũng là một dạng phần mềm nên nó cũng thể hiện sức sáng tạo của con người không có giới hạn. Đây chính là một mấu chốt cho thấy việc quản lý bằng cấp phép sẽ khó có thể theo kịp được sự sáng tạo của game. Nhu cầu của con người là luôn luôn thay đổi và khám phá cái mới, nó làm cho các nhà sản xuất cũng như nhà phát hành cũng phải đổi mới liên tục mới giữ chân được người chơi.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo phân tích, trong lúc thẩm định game thì bao giờ hội đồng thẩm định cũng có 1 nguyên tắc để đánh giá. Từ trước đến nay đã hình thành 1 tiêu chí để thẩm định. Nhà nước căn cứ vào đó để xây dựng bộ nguyên tắc cho các doanh nghiệp thực hiện khi sản xuất hoặc phân phối game. Về luật thì ngoài Nghị định 72 quản lý thông tin trên Internet, thì cũng có luật về văn hóa, giáo dục, dân sự, hình sự. Ví dụ: Hình ảnh mang tính chất tuyên truyền văn hóa phẩm không lành mạnh đã có luật về văn hóa quản lý, game mang tính chất cờ bạc đã có luật về tổ chức đánh bạc…
Một ý kiến khác cũng cho rằng, nhà nước nên cho áp dụng chính sách thử nghiệm với 1 -2 doanh nghiệp, cho phép bỏ thủ tục cấp phép phê duyệt kịch bản nội dung game. Sau một thời gian thử nghiệm sẽ ban hành chính sách để áp dụng chung.
Đặc biệt trong lĩnh vực game cho di động, ngay từ năm 2014 đến nay, nhiều doanh nghiệp đề xuất, cơ quan quản lý nên bỏ việc cấp phép đối với các trò chơi trên điện thoại di động (game mobile). Hàng loạt bất cập, trăn trở trong hoạt động sản xuất, kinh doanh game tại Việt Nam đã được các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi trong nhiều cuộc họp với Bộ TT&TT.
Do đó có nhiều ý kiến đề xuất: "Trước hết các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét và chấp nhận phương án bãi bỏ cấp phép cho từng game mobile, mà chỉ cấp phép cho doanh nghiệp phát hành loại game này. Nếu nội dung game vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc các quy định luật pháp khác thì sẽ thu hồi giấy phép của doanh nghiệp phát hành. Trên thực tế, các game mobile nước ngoài khi phát hành vào Việt Nam cũng chỉ thông qua đại lý phân phối chứ không phải xin cấp phép. Việc bãi bỏ cấp phép game mobile cũng là một cách thức hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh nội dung số, có thể phát triển được những nội dung tương tự game ngoại và cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài”.