Tại họp báo về ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020, VietNamNet đặt vấn đề thực tế nhiều học sinh, sinh viên có những dự án hay, được giải cao ở các cuộc thi song gặp phải khó khăn là không có vốn khi đi vào thực hiện hoặc chưa có môi trường để phát triển các dự án. Vậy, Bộ GD-ĐT có chính sách, giải pháp nào để hỗ trợ các học sinh, sinh viên?
Về điều này, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho hay, ngay sau khi Thủ tướng ký quyết định ban hành Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Bộ GD-ĐT đã phối hợp đề xuất nội dung để Bộ Tài chính ban hành Thông tư 126 về việc sử dụng ngân sách phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp của các cơ sở giáo dục.
“Với thông tư này, các hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trở thành một hoạt động bắt buộc, bền vững của các nhà trường. Hiện, ngành GD-ĐT chỉ đạo công tác khởi nghiệp là một hoạt động chuyên môn của các cơ sở giáo dục chứ không phải chỉ là một phong trào”, ông Linh nhấn mạnh.
Theo đó, các nhà trường sẽ thành lập các quỹ để hỗ trợ cho các nhóm tham gia các câu lạc bộ, không gian nghiên cứu chung. Cùng đó, có hình thức kêu gọi các doanh nghiệp bên ngoài hỗ trợ quỹ đó.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh. |
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho hay, cần phải có sự nâng đỡ để giúp những dự án tốt, đạt giải cao ở các cuộc thi và “không thể để dự án đạt giải rồi rơi vào quên lãng”.
Theo bà Minh, trong đề án 1665 về “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” cũng nêu rất rõ về các giải pháp, trong đó có giải pháp về nguồn vốn. Các nhà trường cần xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ khởi nghiệp từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng tạo ra những môi trường, không gian kết nối giữa các sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp ở các trường với doanh nghiệp. Ví dụ như Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020 diễn ra trong 2 ngày 21-22/12.
Thời gian qua, một số trường đại học cũng đã kết nối với các doanh nghiệp để tạo các cơ hội sân chơi và nguồn kinh phí cho các dự án tốt.
Đề xuất cho sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp tốt được vay vốn
GS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi cho rằng, vấn đề kinh phí cho các dự án cần sự quan tâm của cả Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp thì mới có thể thành công, chứ không thể chỉ trông đợi từ ngân sách của Bộ GD-ĐT.
Ông Thụ cũng đề xuất Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ, với các sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp tốt có thể có cơ chế cho vay vốn để có thể triển khai dự án.
“Như vậy Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để có thể tạo ra một môi trường, không gian nghiên cứu khoa học cho sinh viên”, GS Thụ nói.
Còn ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova (Novaedu) thì cho rằng câu chuyện về vốn với các dự án khởi nghiệp là rất quan trọng nhưng không phải tất cả hay là yếu tố quyết định. Cũng là một người từng khởi nghiệp từ lúc còn là sinh viên, ông Hùng cho rằng quan trọng nhất vẫn là chất lượng và tính khả thi của ý tưởng, dự án. Theo ông Hùng, nguồn vốn sẽ không phải là vấn đề quá khó khăn và đáng lo ngại nếu như các bạn trẻ cho thấy đó là một dự án khởi nghiệp triển vọng. Bởi thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp “chờ” có dự án tốt để đầu tư và theo đuổi.
Ông Hùng đưa lời khuyên, các bạn trẻ không nên đặt nặng vấn đề vốn rồi chùn bước, bởi có thể ý tưởng khởi nghiệp chưa thành công nhưng cái các em đạt được chính là con người với tinh thần và tư duy khởi nghiệp.
Thanh Hùng
Lộ diện quán quân cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2019
- Ngôi vị Quán quân cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2019 đã gọi tên Multi Glass – dự án thiết bị kính thông minh hỗ trợ người khuyết tật sử dụng máy vi tính.