Hội thảo do HV Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo TƯ; Cục Báo chí - Bộ TT&TT; Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức mới đây.

Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, chuyển đổi số không đơn giản chỉ là trang bị rất nhiều công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại mà cốt yếu phải thay đổi từ tư duy, tầm nhìn, kiến thức, kỹ năng, thái độ đội ngũ nhân lực báo chí - truyền thông số, từ ban lãnh đạo đến đội ngũ phóng viên. 

Vì vậy, công tác đào tạo báo chí truyền thông là yếu tố quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

W-lê văn lợi.JPG.jpg
Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh.

Theo ông Lợi, công tác đào tạo báo chí, truyền thông hiện nay đối diện nhiều thách thức. “Nhu cầu đào tạo ngành báo chí, truyền thông tăng cao dẫn đến thực trạng đáng lo ngại về việc cơ sở ngoài công lập đào tạo ồ ạt, gây hiện tượng vừa dư thừa đầu ra của chuyên ngành vừa không đảm bảo chất lượng đào tạo, ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín đào tạo nghề nghiệp nói chung".

Bên cạnh đó, theo ông Lợi, đối tượng người học của công tác đào tạo báo chí và truyền thông nói riêng hiện nay cũng có nhiều thay đổi. Đó là thế hệ trẻ sinh ra trong thời đại khoa học công nghệ với tâm lý và hành vi khác với các thế hệ trước, đòi hỏi các phương pháp giảng dạy phù hợp và hiện đại hơn. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cần tiến hành thường xuyên để bắt nhịp sự thay đổi rất lớn của thời kỳ chuyển đổi số.

Vì vậy, ông Lợi cho rằng, việc tiếp tục đổi mới công tác đào tạo báo chí, truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay là rất cần thiết.

W-đặng thu hương.JPG.jpg
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN, cho rằng, công nghệ hiện đại mang đến nhiều thời cơ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho người làm báo.

Nhận diện những vấn đề còn khó khăn, bà Hương cho hay điểm chuẩn đầu vào các trường đào tạo báo chí hiện khá cách biệt. Trong khi một số trường có điểm chuẩn ngành Báo chí luôn thuộc ‘top’ các ngành có điểm chuẩn đầu vào cao nhất, thậm chí, đối với tổ hợp C00, thí sinh phải trên 9 điểm/môn thì ở một số trường, điểm chuẩn đầu vào lại nằm trong nhóm có điểm thấp nhất. Thậm chí, có năm, có trường điểm chuẩn dưới 15 điểm 3 môn (tức chưa đạt 5 điểm mỗi môn) là đủ điểm đầu vào để học ngành Báo chí.

Do đó, bà Hương cho rằng, để đảm bảo chất lượng cho hoạt động đào tạo của ngành, có lẽ cần quy định ngưỡng đảm bảo đầu vào, để đảm bảo yêu cầu tối thiểu về năng lực học tập của người học, tương tự như quy định đầu vào nhóm ngành Sức khỏe, Sư phạm.

Theo bà Hương, chất lượng đào tạo hiện cũng chưa đồng đều giữa các cơ sở đào tạo. Ngoài ra, theo bà Hương, đội ngũ cán bộ giảng dạy báo chí của các cơ sở đào tạo hiện còn mỏng, trong đó, nhiều cán bộ giảng dạy nhưng chưa trải nghiệm và có kinh nghiệm làm báo thực tế. Cơ sở vật chất tuy được đầu tư, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo của lĩnh vực báo chí, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số. Hệ thống bài giảng, giáo trình còn thiếu và ít cập nhật, còn khoảng cách lớn giữa lý thuyết được đào tạo trên giảng đường với thực tiễn nghề báo sôi động. 

Bà Hương cũng kiến nghị các bộ, ngành và các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo báo chí cần thảo luận sớm ban hành khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng báo chí phù hợp bối cảnh mới. Bên cạnh đó, cần trang bị những kỹ năng số cho sinh viên. 

thành lợi.JPG
Ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị.

Ông Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, cho rằng, để đáp ứng nhu cầu thời đại, khi còn trong trường đại học, cần chú trọng trang bị ngay cho sinh viên những kiến thức, tư duy, sáng tạo về chuyển đổi số đồng thời cũng phải cho các em hình dung việc một người có thể làm nhiều công việc, cho nhiều loại hình báo chí. “Không còn giống như trước đây khi mỗi người chỉ đảm nhận nhiệm vụ viết hoặc dẫn truyền hình giờ đây có thể phải làm tất cả”, ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, đối với một sinh viên ra trường cầm bằng cử nhân báo chí nên được biết tất cả những kỹ năng làm báo đa phương tiện: Phỏng vấn; viết; quay phim; chụp ảnh; sử dụng được công nghệ truyền thông và các mạng xã hội, trang thiết bị hiện đại hiện nay... để đưa vào tác nghiệp một cách hiệu quả nhất.

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam, cho rằng những bạn trẻ thế hệ gen Z hiện nay có thể nói "sinh ra trong thời kỳ số". Tuy nhiên, để thực hiện được sứ mệnh báo chí, điều cần nhìn nhận là đi đường nào cho đúng và xem thực sự có đi đến đích hay không, chứ không chỉ “quăng mình vào thế giới công nghệ” là đủ.

Theo bà Hà, với các cơ sở đào tạo và cơ quan báo chí, điều cần truyền đạt nhất cho các bạn trẻ chính là “nguồn cảm hứng” rằng báo chí cần thiết và không thể thiếu với xã hội.