Hiệp Hội Vận tải hàng hoá TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hiệp Hội Vận tải ô tô Việt Nam và các cơ quan liên quan kiến nghị xem xét việc giãn chu kỳ đăng kiểm đối với xe kinh doanh vận tải nếu hệ số an toàn có thể đáp ứng.

Việc giãn chu kỳ đăng kiểm nói trên theo Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM là nhằm hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tháo gỡ tình trạng ùn tắc đăng kiểm hiện nay.

Mặt khác, Hiệp hội cũng  kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu khả năng chia chu kỳ đăng kiểm dựa trên mốc km xe đã chạy, tránh trường hợp, xe không hoạt động nằm bãi, nhưng đến chu kỳ tháng thì vẫn phải đi đăng kiểm.

Trước kiến nghị của đơn vị này, Bộ GTVT vừa phát đi công văn lấy ý kiến các đơn vị liên quan.

Sáng 10/6, trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết đã nhận được kiến nghị giãn chu kỳ kiểm định xe kinh doanh vận tải của Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM.

“Hiệp hội đang nghiên cứu. Vì hiện nay Hiệp hội chưa có đủ thông tin, kinh nghiệm của các nước thực hiện chu kỳ thời gian bao nhiêu, gắn  với đó là số km xe chạy bình quân trong chu kỳ kiểm định giữa Việt Nam và nước ngoài thế nào?”, ông Quyền nói.

Hơn thế nữa, ông cũng đưa ra thực trạng tại Việt Nam với đơn vị kinh doanh vận tải, công ty lớn còn có các trạm bảo dưỡng sửa chữa. Với những đơn vị này thì xe trước khi được lưu thông trên đường sẽ được kiểm tra an toàn.

Tuy nhiên với những đơn vị nhỏ, hộ kinh doanh vận tải thì việc quản lý phương tiện rất đa dạng.

“Hiện nay chúng ta chưa có nghiên cứu về vấn đề này nên khó nói cụ thể về việc giãn chu kỳ đăng kiểm cho xe kinh doanh vận tải.

Kể cả ý kiến kết hợp giữa hai tiêu chí km và thời gian xác định chu kỳ kiểm định. Vấn đề này chúng tôi cũng chưa có đủ thông tin. Hiệp hội tiếp tục nghiên cứu, thu thập thêm thông tin đồng thời xem xét kinh nghiệm của nước ngoài”, ông Quyền nhấn mạnh.

Xe tải xếp hàng chờ đăng kiểm hồi tháng 5 tại TP.HCM (Ảnh: Tuấn Kiệt )

Tương tự, ông Trần Quốc Hoan, phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 29.03V (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) cũng lo ngại tính an toàn nếu đề xuất này được thông qua.

Ông Hoan cho biết, thời gian vừa qua, 3 đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm 29.03V được điều động tăng cường vào miền Nam. Thông tin từ các kiểm định viên này cho biết, số lượng xe kinh doanh vận tải (xe khách, xe tải, xe công–ten-nơ) đạt ngay lần đầu kiểm định rất ít.

“Một buổi sáng chỉ hơn 20 xe đạt  trên mỗi dây chuyền. Các lỗi xe kinh doanh vận tải, đặc biệt xe tải thường gặp phải là: trọng lượng, kích thước, hệ thống phanh, hệ thống lái. Bây giờ mà kéo dài thêm thì chất lượng cực kỳ kém, ảnh hưởng đến độ an toàn. Như vậy quá nguy hiểm”, ông Hoan nói.

Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với chuyên ngành ô tô, vận tải, từng lái xe khách, xe tải, xe con…ông Hoan đánh giá độ an toàn của xe con gấp nhiều lần so với xe khách, xe tải.

Do đó, chủ trương kéo dài chu kỳ kiểm định với xe con là hợp lý nhưng với xe kinh doanh vận tải cần phải thận trọng.

“Thực tế cho thấy, xe tải, xe khách đặc biệt là xe tải rất hiếm cái nào vào dây chuyền đăng kiểm đạt ngay lần đầu. Trừ những xe còn rất mới, hoặc chủ phương tiện cho xe đi sửa chữa cẩn thận trước khi đi đăng kiểm. Hầu hết xe phải quay đi quay lại nhiều lần, thậm chí quay lại tới 5- 6 lần mới đạt.

Ngày trước, xe kinh doanh vận tải sản xuất 20- 25 năm thì chu kỳ kiểm định chỉ là 3 tháng, bây giờ đã nâng lên 6 tháng theo tôi là phù hợp và không nên tiếp tục kéo dài hơn”, ông Hoan nhấn mạnh.