Game bài giải trí là trò chơi điện tử trên mạng không đổi thưởng, có nội dung, kịch bản mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài. 

Qua thực tiễn công tác quản lý thời gian qua, Bộ TT&TT nhận thấy dòng game bài giải trí dù cấm đổi thưởng vẫn rất dễ bị lợi dụng, biến tướng thành cờ bạc, đổi thưởng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, có tác động xấu đến thế hệ trẻ.

Trong khi đó, các giải pháp quản lý hiện tại chưa bảo đảm khả năng giám sát hiệu quả việc biến tướng thành hoạt động cờ bạc bên ngoài game. Vì vậy, từ năm 2010 đến nay, Bộ TT&TT đã duy trì chủ trương tạm dừng cấp phép đối với dòng game bài giải trí (không đổi thưởng).

Theo đề xuất mới, cơ quan chức năng sẽ dừng hẳn việc cấp phép dòng game bài giải trí. Ảnh: Trọng Đạt

Ngày 9/6/2022, Bộ TT&TT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng ngừa, đấu tranh hoạt động cung cấp trò chơi điện tử cờ bạc trên mạng. Theo đó, Bộ TT&TT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung các quy định về việc dừng hẳn cấp phép dòng game bài giải trí vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP đang được Bộ chủ trì xây dựng, trình Chính phủ.

Ngày 30/6/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu thực hiện theo kiến nghị của Bộ TT&TT, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, cơ quan soạn thảo đã cụ thể hóa chủ trương nêu trên bằng việc bổ sung quy định: Không cấp phép đối với trò chơi điện tử trên mạng có nội dung, kịch bản mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài vào dự thảo Nghị định thay thế.

Dòng game bài giải trí được đánh giá tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng, biến tướng thành cờ bạc, đổi thưởng. Ảnh: Trọng Đạt

Quy định này vừa được cập nhật rõ tại Điều 55 của dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. 

Theo Điều 55 của Nghị định thay thế, doanh nghiệp chỉ được phát hành trò chơi điện tử G1 khi có giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng còn thời hạn tối thiểu 6 tháng. Bên cạnh đó, nội dung, kịch bản trò chơi phải chấp hành theo đúng các quy định.

Cụ thể, theo Khoản b, Điểm 1, Điều 55 Nghị định thay thế, nội dung, kịch bản trò chơi điện tử không được vi phạm các quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng và Khoản 1 Điều 5 Nghị định này.

Ngoài ra, để được phát hành, các trò chơi điện tử G1 không được vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ, không mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài. 

Bên cạnh đó, các trò chơi điện tử G1 không được có các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả cụ thể các hành động khủng bố, giết người, tra tấn người, ngược đãi, xâm hại, buôn bán phụ nữ và trẻ em, kích động tự tử, bạo lực, khiêu dâm, dung tục trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử, vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc lá, đánh bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Hiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân. 

Game lậu đang được thanh toán rất dễ

Game lậu đang được thanh toán rất dễ

Không chỉ có ví điện tử MoMo, tài khoản các nhà mạng viễn thông cũng kết nối trên kho ứng dụng và người dùng có thể thanh toán cho game lậu, game bài và các dịch vụ “nhạy cảm” khác một cách dễ dàng.