Đọc tờ trình, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết nghị quyết này sẽ đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền Đà Nẵng. TP sẽ thí điểm theo hướng xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền địa phương (cấp TP) gồm HĐND và UBND. Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ có cơ quan hành chính là UBND quận và phường. 

UBND quận, phường chỉ gồm chủ tịch, các phó chủ tịch UBND và công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, phường.

Thảo luận tại hội trường, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nhận thấy sau khi thí điểm mô hình chính quyền TP là một cấp thì vai trò của HĐND khối lượng công việc sẽ nhiều hơn, đòi hỏi số lượng và chất lượng phải nâng lên để thực hiện vai trò giám sát.

{keywords}
ĐB Vũ Trọng Kim

"Ra đời một mô hình mới thì người dân cảm nhận được ở mô hình này dân chủ hơn, họ thấy sáng kiến của họ được tiếp thu, những vấn đề về quyền lợi, đời sống mọi mặt được tăng lên. Đã là TP đáng sống thì bây giờ phải đáng sống hơn thì mới gọi là chính quyền nhân dân theo mô hình mới", ông Kim giải thích.

Ông đề xuất thí điểm việc bầu Chủ tịch UBND trực tiếp, phổ thông bỏ phiếu để người dân lựa chọn người đứng đầu chính quyền ở địa phương mình. 

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) lấy ví dụ ở Singapore có khoảng 6 triệu người, nhưng là quốc gia có QH, có Chính phủ, có các bộ và ở dưới đó là nhân dân, đây là một chính quyền hết sức đặc thù so với thế giới.

ĐB nêu quan điểm, đối với nước ta muốn có một chính quyền đô thị có hiệu quả, phát triển bền vững, đừng đem bao nhiêu triệu người ra làm thí điểm để rồi có người nói rằng có thể thành công, có thể không. Vì vậy chính quyền đô thị của Đà Nẵng phải hết sức đặc biệt.

{keywords}
ĐB Nguyễn Việt Thắng

"Phải làm sao có cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực, tạo cho Chủ tịch UBND TP có nhiều quyền hạn nhưng phải kiểm soát được. Tất nhiên, chúng ta nằm trong hệ thống chính trị thì có Đảng bộ rồi đến HĐND. Để tạo điều kiện, có sức mạnh, tôi cho rằng nên bầu trực tiếp", ông Thắng đề xuất.

Cẩn thận với hội chứng “xin cơ chế đặc thù”

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho biết Đà Nẵng nằm trong 10 địa phương từng được chọn thí điểm tổ chức chính quyền đô thị và được QH đánh giá rất tốt.

“Tuy nhiên, công tác tổng kết, đánh giá không đầy đủ, cuối cùng phải tái lập như hiện nay. Lần này đừng vì những cái chúng ta không thảo luận rốt ráo, để thí điểm rồi từ bỏ những điều mà chúng ta thấy là có lợi”, ông Nghĩa nói.

Bày tỏ quan điểm khi cấp quận, phường không còn HĐND, ĐB cho biết khi ông tiếp xúc cử tri thấy rất nhiều vấn đề. "Chúng tôi nói là vấn đề này tại sao người dân không chạy lên gõ cửa HĐND quận, phường thì người ta nói là 10 năm qua, tôi kêu mấy ông HĐND mà không có hiệu quả gì, bởi vì mấy ông không thể nào giải quyết được những vấn đề đó, cuối cùng vẫn phải là UBND. Tới đây, những chuyện như thế đặt lên vai HĐND TP, nghĩa là HĐND TP sẽ thêm việc và cần được bầu thực chất hơn".

Từ đó ĐB Nghĩa nhận định bỏ HĐND quận, phường thì phải tổ chức HĐND TP theo cách khác thì nhân dân và ĐBQH mới yên tâm. 

ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đặt vấn đề cả nước có 5 TP trực thuộc TƯ, đã có TP HCM, Hà Nội, đến Đà Nẵng cũng đặc thù, bây giờ Hải Phòng cũng chuẩn bị, còn Cần Thơ nữa thì thế nào? 

{keywords}
ĐB Tạ Văn Hạ

"Tại sao chúng ta không xây dựng một luật chính quyền đô thị, hay luật TP trực thuộc TƯ? Chúng ta đã có luật Thủ đô. Vậy tiến tới còn đặc thù ở các tỉnh thành khác, người ta cũng nghĩ ra đặc thù để đề xuất. Ví dụ Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ cũng có nhiều đặc thù, cần phải có chính sách riêng cho các đối tượng của những đặc thù này.

Nếu không có đề án hay chủ trương cụ thể với mô hình thí điểm này mà cứ để mạnh ai người đấy xin, tôi sợ rằng sẽ dẫn đến hội chứng "xin cơ chế đặc thù” vì gần đây có hiện tượng như vậy".

Ở góc độ khác, tờ trình nói cho cơ chế đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển mạnh hơn, như về quy hoạch, ngân sách. ĐB Tạ Văn Hạ đặt vấn đề phải chăng vướng mắc đó chỉ mình Đà Nẵng có mà nơi khác không có? Sao không tháo gỡ luôn để tốt cho tất cả địa phương trong cả nước?

ĐB đoàn Bạc Liêu đề nghị không nên “lạm dụng” các nghị quyết về đặc thù.

Trần Thường

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói về lý do hoãn tăng lương vào 1/7

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói về lý do hoãn tăng lương vào 1/7

Theo Bộ trưởng Nội vụ, chưa tăng lương làm giảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nhưng trong bối cảnh chung của cả nước trong dịch Covid-19, nhiều người còn khó khăn hơn.