Theo Hội Nước và Môi trường TP.HCM, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đô thị ở Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức đối với toàn xã hội. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải đô thị, đặc biệt là tại các bãi rác đang là vấn đề gây bức xúc cho xã hội. 

Bên cạnh đó, một phần rác thải từ nước ngoài với thành phần đa dạng nhập khẩu vào Việt Nam dưới dạng phế liệu nhập khẩu chưa đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, tạo gánh nặng cho công tác quản lý chất thải trong nước.

Rác thải nhựa khó phân hủy cũng là một vấn đề thách thức trong công tác quản lý rác thải đô thị hiện nay. 

anh bai 1.jpg
Rác thải nhựa khó phân hủy là một vấn đề thách thức trong công tác quản lý rác thải đô thị.

“Bên cạnh những tác động đến môi trường tự nhiên như cảnh quan, khí nhà kính, ô nhiễm đất, nước ngầm, ô nhiễm không khí… thì việc kiểm soát và xử lý rác thải đô thị chưa hiệu quả còn gây ra nhiều tác động đến sức khỏe cộng đồng cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột. tại các khu vực xung quanh cơ sở xử lý chất thải”, Hội Nước và Môi trường TP.HCM nhấn mạnh.

Thực tế ở Việt Nam, rác thải đô thị thường được xử lý bằng một số phương pháp chính gồm: Chôn lấp; tái chế làm phân bón hữu cơ; đốt và phá hủy; đốt để tạo ra điện; khí hóa; tái chế, tái sử dụng và các phương pháp khác. 

Trong đó, các phương pháp tái chế làm phân hữu cơ, đốt để phát điện, khí hóa, tái chế và tái sử dụng là các phương pháp xử lý rác thải đô thị được áp dụng theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Trên cơ sở tham khảo và cập nhật xu hướng công nghệ xử lý chất thải trên thế giới và đúc kết kinh nghiệm thực tế của các nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt đã đang áp dụng tại Việt Nam, Hội Nước và Môi trường TP.HCM đã đề xuất phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải.

Theo đó, đối với các đô thị lớn, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại và xử lý theo các bước sau: Phần kim loại, nhựa sẽ được thu gom và bán tái chế hoặc tái chế trực tiếp tại các dây chuyền tái chế của nhà máy; Gạch, cát, xà bần sẽ đưa đi sử dụng là vật liệu xây dựng hoặc vật liệu san lấp; Các chất thải hữu cơ sau khi sấy sẽ được đưa qua xử lý bằng các công nghệ nhiệt phân, hoặc khí hóa, hoặc khí hóa plasma. Sản phẩm chính của quá trình là khí tổng hợp.

Đối với các đô thị nông thôn, phần kim loại, nhựa sẽ được thu gom và bán tái chế hoặc tái chế trực tiếp tại các dây chuyền tái chế của nhà máy; Gạch, cát, xà bần sẽ đưa đi sử dụng là vật liệu xây dựng hoặc vật liệu san lấp; Phần nhựa không tái chế được thu gom để sản xuất viên đốt RDF; Chất thải hữu cơ được xử lý theo 3 phương án gồm compost hiếu khí, ủ biogas CIGAR sau khi đã hóa lỏng, và ủ biogas.

Trong các phương án nêu trên, công đoạn rất quan trọng đóng vai trò quyết định hiệu quả xử lý chất thải rắn đô thị là phân loại thành các thành phần phù hợp với các công nghệ xử lý tiếp theo. 

Tuy nhiên, đây vẫn đang là vấn đề nan giải của đa số các tỉnh thành trong cả nước: Phân loại tại nguồn chưa thành công, phân loại tại nhà máy, bãi chôn lấp gặp nhiều khó khăn, chi phí cao mà thực tế chưa vượt qua được. Vì vậy, đầu tư cho các công nghệ xử lý tiếp theo như: tái chế, sản xuất compost, đốt phát điện…yêu cầu vốn rất cao, có thể đạt yêu cầu về môi trường nhưng chưa hiệu quả về kinh tế. 

Do đó, một giải pháp được đề xuất là mô hình bãi chôn lấp bền vững với 3 bước chính.

Một là sử dụng bãi chôn lấp hợp vệ sinh có tuần hoàn nước rỉ rác, thu và xử lý khí metan sản xuất điện hoặc nén vào chai, cung cấp cho sinh hoạt, phương tiện giao thông… (bãi chôn lấp kiểu này cho phép tăng tốc phân hủy rác chỉ còn khoảng 5 năm, đồng thời tăng lượng khí metan sinh ra). 

Hai là sau 5 năm tiến hành khai thác và phục hồi bãi chôn lấp, lúc này, chất thải rắn hữu cơ đã phân hủy phần lớn, độ ẩm giảm đáng kể, do đó việc phân loại sẽ trở nên dễ dàng hơn. Các thành phần thu hồi được gồm: Kim loại màu, nhôm, nhựa và thủy tinh có thể được tái chế làm nguyên liệu hoặc bán; Đất tái chế có thể được sử dụng tại chỗ làm vật liệu che phủ hàng ngày cho các ô chôn lấp khác, do đó tránh được chi phí nhập khẩu vật liệu che phủ hoặc sử dụng đất tái chế trong các ứng dụng khác, chẳng hạn như phân trộn; Chất thải dễ cháy để sản xuất nhiên liệu thay thế cho các lò xi măng…

Và ba là giải phóng rác khỏi bãi chôn lấp và sử dụng cho mục đích xử lý chất thải rắn tiếp theo.

“Như vậy, chúng ta sẽ có bãi chôn lấp chất thải rắn tuần hoàn (bền vững). Mô hình này có các ưu điểm như: Chi phí đầu tư và vận hành (bãi chôn lấp) thấp; Thu khí metan và không xả nước thải; Tiết kiệm đất do chỉ chôn trong 5 năm; Thu hồi các thành phần có giá trị trong chất thải rắn; Phù hợp với mọi quy mô chất thải”, Hội Nước và Môi trường TP.HCM cho hay.

Nguyễn Hạnh và nhóm PV, BTV