Liên tiếp cháy nhà ở kết hợp kinh doanh

Khoảng 10h sáng 28/11, căn nhà 3 tầng tại số 101 đường Phương Sài - sát chợ Phương Sài (thuộc phường Phương Sài, TP Nha Trang) bốc cháy dữ dội. Trong ít phút, ngọn lửa bùng lên dữ dội. Nhiều người nhốn nháo, tháo chạy.

Người dân cho biết, thời điểm xảy ra vụ cháy, nhiều người hô hoán tìm cách dập lửa, tuy nhiên do bên trong chứa nhiều vật dụng dễ cháy như giấy, nhang hương, đũa... khiến đám cháy bùng nhanh, mọi nỗ lực đều bất thành.

W-Chay 1  IMG_5455.jpg
Hiện trường vụ cháy khiến 4 người thiệt mạng tại TP Nha Trang.

Chính quyền địa phương cùng hàng chục cảnh sát, xe chữa cháy được huy động tới hiện trường. Ngọn lửa sau đó được khống chế. Bên trong căn nhà, cảnh sát tiếp tục phun nước, đề phòng cháy trở lại.

Ông Lưu Thành Nhân - Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang có mặt tại hiện trường cho biết, có 4 người trong một nhà tử vong, gồm 2 người lớn, 2 trẻ em. 

Trước đó, ngày 16/6, liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh tại phường Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội) và phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang (Bắc Giang) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 7 người chết.

Cách đó gần 1 tháng, rạng sáng 24/5 tại ngõ 119 phố Trung Kính, phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đã cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, vụ việc đã cướp đi sinh mạng của 14 người và làm 6 người khác bị thương.

Cụ thể, trên khu đất rộng 205 m2 có nhà 2 tầng một tum dành cho 7 người gia đình chủ nhà; khu nhà trọ rộng 100 m2 cao 3 tầng, mỗi tầng 4 phòng, có 17 người đang thuê. Ở giữa hai nhà là khoảng sân rộng 55 m2 để xe máy, xe điện, cũng là cửa hàng mua bán, sửa chữa xe điện của con chủ nhà.

Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã vào cuộc, tập trung làm rõ hai vấn đề. Thứ nhất là việc cho thuê, vận hành nhà trọ, xác định trách nhiệm của hai người tổ chức cho thuê trọ là chủ nhà. Tuy nhiên, hai người này đã tử vong trong vụ cháy nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trách nhiệm quản lý nhà nước, quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo phòng cháy chữa cháy đối với nhà trọ nêu trên.

Yêu cầu phòng cháy chữa cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh

Theo dự thảo Luật PCCC&CNCH, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn; khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ phải có giải pháp ngăn cháy với khu vực để ở.

Cụ thể, tại Điều 21 dự thảo Luật PCCC&CNCH quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thể hiện, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy.

W-chay pho duc chinh 3.jpg
Hiện trường một vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh. 

Lắp đặt, sử dụng thiết bị điện bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy; bố trí bếp đun nấu, nơi thờ cúng, đốt vàng mã bảo đảm an toàn; không để vật, chất dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; có phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn; bố trí, duy trì lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp hoặc lối đi bảo đảm việc thoát nạn.

Đồng thời, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn theo quy định; khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ phải có giải pháp ngăn cách hoặc ngăn cháy với khu vực để ở.

Dự thảo Luật PCCC&CNCH cũng quy định, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải  bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy.

Thứ nhất, không bố trí chỗ ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị phát hiện sự cố rò rỉ chất khí, chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Thứ ba, khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải được ngăn cháy với lối thoát nạn của khu vực để ở.