Ngày 23/11, thảo luận tại hội trường về dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm đến quy định về điều kiện để hưởng lương hưu từ việc giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm.

Đề nghị tăng lương hưu 2,3% với mỗi năm đóng thêm BHXH

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) nêu thực tế, từ năm 2018, theo quy định của Luật BHXH hiện hành (điều 74) đã điều chỉnh cách tính tỷ lệ để được hưởng mức lương hưu tối đa là 75% của lao động nữ từ 25 năm lên 30 năm và lao động nam từ 30 năm lên 35 năm. 

Theo bà Thúy, quy định này đang làm kéo giảm mức lương hưu của người lao động, làm giảm động lực thu hút người lao động ở lại với hệ thống an sinh xã hội đã dày công xây dựng. Vì vậy, cần phải có điều chỉnh hợp lý để mức lương hưu trong tương lai đảm bảo được mức sống cho người lao động.

Trần Thị Diệu Thúy.jpg
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) 

Do đó, nữ đại biểu TP.HCM đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu tăng tỷ lệ tính mức lương hưu hằng tháng lên để thu hút người tham gia BHXH ở lại hệ thống an sinh.

Cụ thể sửa đổi quy định theo hướng: “Mức lương hưu hằng tháng của người lao động… bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại điều 72 của Luật này tương ứng với thời gian đóng BHXH là 20 năm đối với lao động nam và 15 năm đối với lao động nữ; cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2,3%, mức tối đa bằng 79,5%”.

Đại biểu cho rằng, hiện nay, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa (75%) của nước ta có cao hơn so với một số quốc gia khác. Mức lương làm căn cứ đóng BHXH trên thực tế không cao, đa số chỉ đóng ở mức lương tối thiểu vùng dẫn tới việc hưởng lương hưu cũng rất thấp do nguyên tắc đóng hưởng. Đặc biệt mức lương hưu thực lãnh của người lao động (nhất là lao động phổ thông) khu vực ngoài nhà nước còn thấp, rất nhiều người lao động đang nhận mức lương hưu còn thấp hơn cả mức lương tối thiểu vùng, không thể đảm bảo mức sống tối thiểu của bản thân. 

Ngoài ra, bà Thúy cũng đề nghị quy định mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định nên tính bằng bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 15 năm cuối thay vì toàn bộ thời gian, để người tham gia được hưởng mức lương hưu tốt hơn. 

Song song đó, để tăng tính hấp dẫn, tạo động lực thu hút người lao động ở tham gia lâu dài với BHXH, đại biểu Thúy đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách an sinh như hưởng chính sách chăm sóc dưỡng lão, 100% chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo… dành cho nhóm lao động tham gia suốt quá trình đóng BHXH để tăng tính hấp dẫn của chính quỹ này.

Cần quy định tỷ lệ hưởng lương hưu tối thiểu là 45% mức đóng BHXH

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng việc dự thảo luật điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu xuống tối thiểu 15 năm tham gia đóng BHXH, thấp hơn 5 năm so với luật hiện hành sẽ giúp thu hút được nhóm lao động cao tuổi tham gia đóng BHXH.

Việc này còn tạo thêm điều kiện cho nhiều người được hưởng lương hưu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu Nga bày tỏ băn khoăn, cùng với việc vừa tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay, đồng thời lại giảm điều kiện về thời gian tham gia đóng BHXH để hưởng lương hưu, có thể sẽ dẫn đến việc người lao động lợi dụng chính sách nhiều lần rút bảo hiểm một lần.

Sau đó họ lại tiếp tục quay lại tham gia đóng BHXH để hưởng lương hưu, đặc biệt là đối với những người lao động tham gia đóng BHXH từ sớm.

Ngoài ra, việc giảm điều kiện, thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu cũng có thể dẫn đến tình trạng nhiều người nghỉ hưu có mức thu nhập thấp do thời gian tham gia đóng ngắn. Điều này ảnh hưởng đến đời sống của người lao động khi nghỉ hưu.

“Do vậy, tôi đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định có liên quan kèm theo để tối ưu hóa sự thay đổi này, vừa mở rộng được các đối tượng hưởng lương hưu nhưng vừa đảm bảo mức lương hưu được hưởng sẽ đảm bảo cơ bản đời sống của người lao động khi nghỉ hưu”, đại biểu tỉnh Hải Dương nói.

pham van hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) 

Dù bày tỏ rất thống nhất giảm số năm đóng BHXH xuống còn 15 năm là rất cần thiết song đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại băn khoăn, nếu 15 năm hoặc 20 năm, 30 năm người lao động đóng thời gian dài sẽ hưởng lương hưu trí sẽ cao; còn chỉ đóng trong 15 năm thì lương hưu trí rất thấp, đó là một bất cập xã hội đang gặp phải.

Vì vậy, một mặt ông Hòa ủng hộ giảm thời gian đóng BHXH xuống 15, một mặt ông đề nghị quy định, sau khi người đóng đủ BHXH 15 năm thì được hưởng lương hưu tối thiểu từ 45% mức đóng BHXH chứ không phải 20% hay giảm xuống 15% như dự luật là không hợp lý.