Vợ chồng cùng đăng ký vào TP.HCM chống dịch
Sáng hôm đó, BS Giang báo tin cho bố mẹ chồng nhưng ông bà không đồng ý. “Bố mẹ lo chúng tôi vào vùng dịch nhiều nguy cơ lây nhiễm. Thêm vào đó, các con tôi còn bé (8 và 4 tuổi), bố mẹ chồng tuổi lại cao. Ông, bà bảo: “Sao không để chồng hoặc vợ vào mà cả hai lại đi cùng lúc?”, chị kể.
Buổi tối hôm đó, vợ chồng chị có cuộc nói chuyện với ông bà. Sau khi nghe con thuyết phục, bố mẹ chồng BS Giang mới dần đồng ý để các con lên đường.
“Bố chồng tôi 67 tuổi, từng là bác sĩ, mẹ chồng tôi trước cũng là một y tá. Ông bà từng có thời gian công tác bên Lào 7 năm, quen và yêu nhau tại đó. Cũng công tác trong ngành y nên dù lo lắng khi các con đi tình nguyện nhưng cuối cùng, ông bà đều ủng hộ và động viên chúng tôi”, chị nói.
Các bác sĩ đang làm việc tại Trung tâm Hồi sức Covid-19, Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 TP.HCM |
Sau khi tìm được sự đồng thuận của bố mẹ chồng, chị Giang lại làm “công tác tư tưởng” với các con. Quen với việc bố mẹ thường xuyên bận rộn, trực đêm trong viện nên khi mẹ thủ thỉ sẽ đi công tác, các con chị đều không phản đối. Thậm chí, con trai lớn còn dặn dò em: “Mẹ đi công tác, em ở nhà phải nghe lời ông bà”, chị nhớ lại.
Có 1 tuần để chuẩn bị mọi thứ trước khi lên đường, chị Giang dành thời gian để bọc sách vở, chuẩn bị để con trai đón năm học mới.
Ngoài quần áo, hành lý của vợ chồng chị có thêm vitamin C, thuốc tiêu hóa, dạ dày vì biết sắp tới là những ngày căng thẳng và không thể ăn uống đúng giờ, điều độ.
Ngày 15/7, vợ chồng chị cùng đoàn 114 bác sĩ, điều dưỡng TP Hải Phòng vào chi viện cho TP.HCM chống dịch. May mắn, chị và chồng- điều dưỡng Đỗ Ngọc Anh, được xếp chung phòng.
“Nhờ vậy, hai vợ chồng còn có thể động viên nhau trong công tác dù thời gian cả hai được gặp nhau cũng không nhiều vì phải làm theo ca. Các đồng nghiệp còn trêu chuyến công tác như “tháng trăng mật” của vợ chồng tôi”, chị Giang cười.
Một tháng ở tâm dịch TP.HCM
Như chị dự đoán, công việc tại Trung tâm Hồi sức Covid-19, Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 TP.HCM căng thẳng và áp lực.
“Chúng tôi nhận bệnh nhân được chuyển từ tầng dưới lên, cho F0 thở oxy bằng gọng kính, thở oxy qua mặt nạ (mask)... Nếu bệnh nhân nặng, chúng tôi chuyển đến khoa hồi sức để các bác sĩ đặt ống thở máy. Khoa tôi làm việc có khoảng 65-66 bệnh nhân. Một ca trực (12 tiếng) sẽ gồm 4 bác sĩ chia nhau, để bớt căng thẳng”. Công việc áp lực nhưng chị Giang nói nhờ đồng nghiệp hỗ trợ, chia sẻ nên dù nhiều bệnh nhân, nhiều F0 nặng chị vẫn bắt nhịp được với guồng quay ở đây.
BS Giang mặc đồ bảo hộ chuẩn bị vào ca trực |
“Tôi vẫn chịu được nhưng nhiều đồng nghiệp không may mắn như vậy”. Theo chị Giang, từng có bác sĩ ngất xỉu ngay trong buồng bệnh. Các bác sĩ khác phải mở khẩu trang để lấy khí thở cho đồng nghiệp. Dù môi trường buồng bệnh nhiều virus, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng họ bắt buộc phải làm như vậy”.
Bình thường, sau khi ra khỏi buồng bệnh, các bác sĩ mới tháo bỏ khẩu trang, đồ bảo hộ, khử khuẩn và 5-7 ngày/lần, họ sẽ được xét nghiệm. Nhưng bác sĩ này, sau đó, phải 2 ngày/lần xét nghiệm để theo dõi nguy cơ lây nhiễm.
Theo chị Giang, công việc của các điều dưỡng cũng vất vả không kém. Ngoài công việc chuyên môn, họ còn phải hỗ trợ sinh hoạt cho bệnh nhân.
“Nhiều F0 phải thở oxy, không thể rời giường vì đi ra ngoài có thể thiếu oxy dẫn đến suy hô hấp, tử vong. Vì vậy, các sinh hoạt đều diễn ra tại giường. Với người bệnh bình thường vào viện sẽ có người nhà hỗ trợ nhưng ở đây tất cả đều do các điều dưỡng lo liệu”.
Nếu bệnh nhân không ăn được, điều dưỡng phải đút từng thìa. Các điều dưỡng cũng phải đóng bỉm, thay bỉm cho bệnh nhân hoặc hỗ trợ người bệnh đi vệ sinh tại chỗ. Công việc của họ còn là vận chuyển bệnh nhân từ nơi này sang nơi kia, rất vất vả.
Trước khi vào ca, họ đều hạn chế uống nước để giảm nhu cầu đi vệ sinh, tránh nguy cơ lây nhiễm. Làm việc theo ca nên giờ sinh hoạt của các bác sĩ, điều dưỡng rất thất thường. Khi vào ca sáng, chị Giang tranh thủ ăn từ 6-6h30 và lên xe lúc 6h45.
2h chiều kết thúc ca, chị thay quần áo, khử khuẩn và lên xe về đến khách sạn lưu trú. 4h chiều, họ mới ăn bữa trưa. Ca chiều kết thúc vào 9h30 tối nhưng họ về khách sạn lưu trú vào lúc 11h đêm. Lúc này, các bác sĩ mới tắm rửa, ăn bữa tối.
Dù lịch sinh hoạt thất thường nhưng họ đều cố gắng ăn và giữ sức khỏe vì theo chị Giang “cuộc chiến còn dài, điều quan trọng nhất là mình phải giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ. Mình có như vậy cũng tạo động lực cho đồng nghiệp”.
BS Giang và chồng là anh Ngọc Anh, đều công tác tại khoa Lọc máu, Bệnh viện Kiến An, TP.Hải Phòng |
Làm việc ở tuyến cuối, chị Giang từng chứng kiến nhiều trường hợp để lại tiếc nuối. Đó là hai vợ chồng cao tuổi, có bệnh nền phải vào điều trị. Người chồng chuyển nặng và ra đi trước sự chứng kiến của người vợ. Nhưng chị cũng hạnh phúc khi chia sẻ về nhiều bệnh nhân nặng chuyển nhẹ, nhiều cơ hội xuất viện.
“Chúng tôi từng đón một F0 sinh năm 2012. Em vào đây một mình vì ba mẹ cũng là F0 đang điều trị ở bệnh viện khác”, chị kể. Theo chị Giang, F0 9 tuổi này rất vui vẻ, dễ thương. Em thường trò chuyện với các y bác sĩ. May mắn, mới đây em đã khỏi bệnh và về nhà.
Sau các ca trực, về đến phòng, nữ bác sĩ này lại tranh thủ gọi điện về nhà để bớt nỗi nhớ con. “Đây là lần đầu hai vợ chồng xa con lâu đến thế. Tôi chỉ mong TP.HCM hết dịch, để về và thực hiện lời hứa là đưa các con đi chơi”, chị nói.
Ngọc Trang
Nữ điều dưỡng gửi con nhỏ, vào TP.HCM chống dịch: ‘Tuổi trẻ phải cống hiến’
Chồng đang lao động tại nước ngoài, gửi con trai 3 tuổi cho ông bà nội chăm sóc, chị Hải lên đường chi viện cho TP.HCM chống dịch. Đến lúc chuẩn bị ra sân bay, con trai ôm chặt mẹ, không chịu buông khiến chị rơi nước mắt.