Trong dự thảo Quy hoạch phát triển thông tin và truyền thông đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Sở TT&TT đang xây dựng để trình UBND thành phố Cần Thơ, Cần Thơ đặt mục tiêu vào năm 2020 thuê bao cố định sẽ đạt mật độ 6 thuê bao/100 dân, tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định đạt 24%.

Tính đến năm 2015, tổng số thuê bao điện thoại cố định ở Cần Thơ đạt 101.6000 máy, đạt mật độ 8,1 máy/100 dân. Dịch vụ điện thoại cố định đã được cung cấp đến 100% xã, phường của Cần Thơ. Như vậy, 5 năm nữa mật độ điện thoại cố định sẽ giảm đi 2,1 máy/100 dân so với năm 2015.

Trong khi điện thoại cố định được dự báo tiếp tục sụt giảm thuê bao thì trong 5 năm tới thuê bao di động và Internet băng rộng sẽ tăng trưởng mạnh. Ở thời điểm hiện tại dịch vụ điện thoại di động (tính cả thuê bao sử dụng USB 3G qua máy tính và máy tính bảng) đạt 1.510.500 thuê bao (tính cả thuê bao không phát sinh cước trong giai đoạn thống kê), đạt mật độ 120 thuê bao/100 dân. Tốc độ tăng trưởng bình quân thuê bao di động trong giai đoạn 2009 - 2015 đạt 6%/năm, số lượng thuê bao di động thực tế được sử dụng đạt khoảng 80%.

Tổng số thuê bao Internet trên địa bàn Cần Thơ đạt 104.850 thuê bao, đạt mật độ 8,34 thuê bao/100 dân. Các thuê bao Internet đều là thuê bao băng rộng và thuê bao kênh riêng, không còn thuê bao băng hẹp. Tốc độ tăng trưởng thuê bao Internet giai đoạn 2009 - 2015 đạt bình quân 192%.

Đến năm 2020, thuê bao di động sẽ tiếp tục tăng trưởng đạt 160 thuê bao/100 dân, tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại di động đạt 80%. Thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 20 thuê bao/100 dân, tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng di động đạt 40 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ hộ gia đình có Internet đạt 50-55%, tỷ lệ người dùng Internet đạt 70-80%.

Sở TT&TT Cần Thơ cũng cho biết, dịch vụ Internet tuy phát triển nhanh nhưng hiệu quả chưa cao bởi các thuê bao Internet cá nhân hay hộ gia đình chủ yếu là ở khu vực nội thành. Dịch vụ Internet tuy đã phủ toàn thành phố nhưng khu vực nông thôn nhu cầu sử dụng của người dân còn rất thấp.

Việc thuê bao cố định ào ào rũ áo ra đi liên tục được lãnh đạo VNPT đưa ra trong các cuộc giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT&TT từ năm 2014 đến nay. Trong 5 tháng đầu năm 2015, VNPT đã bị mất 160.000 thuê bao trong khi dịch vụ di động VinaPhone tăng được 1,7 triệu thuê bao phát sinh cước, tăng 93% so với cùng kỳ năm trước. Thuê bao băng rộng vẫn phát triển mạnh, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm trước, riêng thuê bao cáp quang băng rộng tăng khoảng 400% so với cùng kỳ năm 2014, tăng 500% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh thuê bao cáp quang đã ảnh hưởng lớn đến việc duy trì thuê bao cáp đồng, thuê bao cáp đồng trong 5 tháng đã giảm 37.000 thuê bao, do khách hàng chuyển sang dùng dịch vụ của các nhà mạng khác hoặc chuyển dịch sang dùng dịch vụ cáp quang.