Điểm đến văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng xứ Nghệ

Đền Ông Hoàng Mười ở Nghệ An có tuổi đời hơn 400 năm tuổi được xem là điểm đến văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng ở khu vực miền Trung. Đền được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ XVII) tại làng Xuân Am (nay là xóm 5, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) để tưởng nhớ và tri ân công đức của Quan Hoàng Mười.

Theo tích xưa kể lại, ông Hoàng Mười là một vị thần xuống chốn dân gian để giúp đời. Người dân xứ Nghệ lưu truyền rất nhiều câu chuyện liên quan đến lịch sử đền Ông Hoàng Mười Nghệ An cũng như những đóng góp của ông với một số nhân vật có thật trong lịch sử.

Hiện nay, tại đền còn lưu truyền sự tích về Quan Hoàng Mười, người văn võ toàn tài, có công dựng nền thịnh trị, ổn định cuộc sống cho nhân dân quanh vùng. Đặc biệt, ngài luôn quan tâm, gần gũi, giúp đỡ những người dân nghèo khó; là một vị tướng tài có công lớn trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn. Ngài bị thương nặng, phi ngựa về đến quê nhà thì mất.

onghoang.png

Công lao của Quan Hoàng Mười đã được các triều đại phong kiến ghi nhận và ban các thần hiệu “Khâm Sai Tiết Chế Nghệ An, Quảng Nam, Thuận Hóa Đẳng Xứ, Kiêm Thủy Bộ Chư Dinh, Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Thái Úy, Vị Quốc Công”. 

Tại đền giữ 21 đạo sắc phong, bản thần tích chữ Hán và hệ thống tượng pháp có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao.

Kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc và nhiều tài liệu, hiện vật đồ tế khí quý hiếm

Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian và qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo, Đền Ông Hoàng Mười bên bờ sông Lam vẫn lưu giữ được những kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc và nhiều tài liệu, hiện vật đồ tế khí quý hiếm.

Theo ghi chép, đền được xây dựng vào năm 1634, từ thời hậu Lê. Trải qua lịch sử, đền bị phá huỷ. Năm 1995 đền được xây dựng theo quy mô truyền thống, gồm tam quan, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu. Khu đền chính gồm ba tòa điện, là Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Công trình này mang kiến trúc đền chùa thời nhà Nguyễn. Vật liệu dựng đền sau này đều làm bằng gỗ, được chạm trổ công phu với các hoạ tiết long, lân, quy, phụng.

Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học và nghệ thuật, đền Ông Hoàng Mười được UBND tỉnh xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh năm 2002 và công nhận điểm du lịch văn hoá tâm linh năm 2018.

Năm 2019, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tại Quyết định số 2970/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019).

Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười- tri ân tiền nhân

Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười được hình thành và tồn tại với lịch sử của Đền. Trước đây, Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười được tổ chức vào ngày 15/3 (âm lịch) hàng năm.

onghoang.png

Từ năm 1995, sau khi ngôi đền được phục dựng lại, lễ hội đền được chuyển vào ngày 09, 10/10 (âm lịch) hàng năm – ngày hóa của Quan Hoàng Mười, dịp tết cơm mới/tết Trùng thập/tết Hạ nguyên, ngày lễ của những người thực hành nghi lễ hầu đồng; ngày mà người dân tin là ngày tròn trịa, viên mãn, mang lại nhiều điều tốt đẹp, còn ngày 15/3 hàng năm chỉ tổ chức thắp hương, dâng lễ.

Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười được tổ chức theo các nghi lễ truyền thống trang nghiêm, gồm lễ khai quang, lễ rước sắc, lễ yết cáo, lễ đại tế và lễ tạ. Nét đặc sắc Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười là các hoạt động được gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, đó là diễn xướng nghi lễ hầu đồng, đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng giao tiếp, biểu đạt những ước muốn, khát vọng của du khách với thần linh (tín ngưỡng thờ mẫu một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận).

Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười là nơi bảo lưu những phong tục tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh của Nhân dân.

Để tiếp tục bảo tồn, phát huy, lan tỏa giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười; theo chia sẻ của bà Hoàng Thị Hoài Thanh – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hưng Nguyên, Trưởng Ban quản lý di tích Đền Ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên đã tập trung đầu tư mở rộng, xây dựng và nâng cấp các hạng mục từ khu vực tâm linh đến khu dịch vụ bằng nguồn công đức và nguồn xã hội hoá hơn 110 tỷ đồng.

Huyện cũng xác định đây là điểm văn hóa tâm linh quan trọng của tỉnh, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức hoạt động và quản lý nhằm phát huy tốt giá trị của di tích. Cùng với đó, các hoạt động Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười được huyện Hưng Nguyên nghiên cứu đổi mới theo từng năm nhằm dần nâng tầm quy mô đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, thưởng ngoạn của Nhân dân địa phương và du khách thập phương.


 

Võ Thu và nhóm PV, BTV