- "Có tinh giản sếp không" là câu hỏi độc giả đặt ra sau khi đọc bài phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Câu trả lời của Thứ trưởng: Không có vùng cấm nào cả.

>> 'Không đặt mục tiêu giảm 100.000 công chức'
>>
Tinh giản biên chế có 'đụng' được con ông cháu cha?
>>
'Không cúi không quỳ' dễ bị tinh giản?
>>
'Chỉ tăng một bộ, tinh giản biên chế thành vô nghĩa'
>>
'Trận chiến' tấn công vào biên chế?

Độc giả Minh Hà thấy "không đặt mục tiêu con số tinh giản bao nhiêu là cách làm dễ nhất, chẳng ai bị áp lực, được thì tốt mà không được cũng không sao". Trong khi đó, độc giả Cải Cách viết: "Phải có con số cụ thể chứ! Không thì muốn giảm bao nhiêu chẳng được, thậm chí không giảm cũng được".

{keywords}
Trước hết hãy tinh giản bộ máy nhà nước. Ảnh minh họa: Hiền Anh

'Phình' tổ chức, 'đẻ' ban bệ, làm sao tinh giản

Độc giả Quang Thang có ý kiến mà nhiều độc giả khác chia sẻ: Thay vì bàn tinh giản biên chế, nên  nói tinh giản tổ chức, tinh giản lãnh đạo...

Như độc giả Quí Vũ nhận định: Nhắm vào đối tượng cá nhân là một lẽ, sao ta không nhắm vào các tổ chức hoạt động kém hiệu quả để giải thể, giải tán, các tổ chức có cũng được không có cũng được, chẳng hạn một số tổ chức đoàn thể tính chất hoạt động tương tự nhau.

 Không có vùng cấm nào cả

Về câu hỏi của độc giả liệu có tinh giản "sếp", Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho hay: "Không có vùng cấm nào cả. Đối với công chức lãnh đạo, quản lý thì trong hệ thống tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu sẽ do cấp trên trực tiếp phụ trách đánh giá. Ví dụ trưởng phòng sẽ do vụ trưởng đánh giá, vụ trưởng do bộ trưởng đánh giá, giám đốc sở do chủ tịch UBND tỉnh đánh giá".

"Đừng nói chuyện tinh giản con người mà trước hết hãy tinh giản bộ máy nhà nước", độc giả Thanh Nhàn cũng góp ý.

"Trước đây không có tổng cục công việc cũng vậy, sau phình lên tổng cục thì cố đẻ ra ban này, vụ nọ, trung tâm kia, viện nghiên cứu ấy..., từ chỗ chỉ 30 người phát triển thành hàng trăm người, làm sao không tăng biên chế".

Độc giả này còn viết: Các tỉnh thì có phong trào tách huyện, nâng cấp thành phố, thị xã... Chuyện này vốn phải được sự đồng ý của Bộ Nội vụ, vậy nên làm ngay từ chính Bộ Nội vụ trước.

Độc giả cũng chỉ ra: Nghị quyết Quốc hội quy định mỗi bộ không quá 4 thứ trưởng mà giờ có bộ có đến 8 thứ trưởng...

Độc giả Nguyễn Anh Minh lại nghĩ không phải cứ giảm số bộ, số tỉnh, số quận… là tinh giản được bộ máy, mà phải tách bạch vĩ mô - vi mô: Bộ máy cấp cao chỉ quản lý tầm vĩ mô, việc vi mô để các cơ quan chuyên ngành đảm nhận, hoạt động như doanh nghiệp, hạch toán độc lập, không lấy ngân sách...

Nhưng trên thực tế, các cơ quan nhà nước đều ôm đồm nên có tình trạng như độc giả Ban Doc phản ánh: Mỗi sở địa phương có 4-5 phó giám đốc, nhiều phòng ban không có nhân viên mà chỉ toàn trưởng, phó phòng...

Vì vậy độc giả mới đặt câu hỏi: Có tinh giản biên chế "sếp" không, nhất là trong trường hợp như Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đã đề cập, "nếu người đứng đầu không dám làm hoặc làm sai trong tinh giản biên chế thì bản thân người đó sẽ mất uy tín, bị đánh giá lại và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình".

"Sếp" tinh giản ai?

Người đứng đầu khó tinh giản mình mà cũng là người quyết định tinh giản cấp dưới nên việc Thứ trưởng Trần Anh Tuấn lạc quan "rất khó có thể lồng cá nhân, trù dập, bè phái hoặc nể nang, e ngại" được độc giả đánh giá là "chủ quan".

"Phe cánh, bè phái rất khó phát hiện. Mấy đời lính thắng được quan. Trong tuyển dụng họ chạy được thì trong tinh giản biên chế là có thể", độc giả Quốc Thái viết.

Độc giả Vi Thị Luyến kể "ở trường tôi lắm phe phái, ai không theo phó hiệu trưởng thì chết chắc mà theo thì xấu cũng thành tốt, tội gì không theo, nịnh bợ một tí làm việc nhàn rỗi hẳn!". Độc giả Nguyen Minh Thanh hưởng ứng: Trong các doanh nghiệp nhà nước cũng vậy, ai nịnh thì làm nhàn, dù dốt đặc cán mai.

Bên cạnh đó là đối tượng "truyền thống" không dễ cho ra - "con ông cháu cha", và đối tượng mới xuất hiện cũng không thể giảm - đã hợp thức hóa bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ.

Thế nên độc giả Hoàng Anh cảnh báo: Kinh nghiệm Malaysia cho thấy sau 10 năm giảm biên chế, kết quả chỉ giảm được... người tài. Hoặc chỉ "rung cây dọa khỉ" như độc giả "Tôi Yêu Việt Nam" dự tính, hay "cây to khó chặt" như độc giả Vũ Đức Thành lo ngại.

Chung Hoàng