Theo Forbes, Millennials tên gọi dành cho những người sinh ra trong giai đoạn 1980- 2000. Thế hệ này phải đối mặt với nhiều áp lực hơn so với thế hệ trước, họ rất kỳ vọng về tương lai tài chính của mình. Một nhóm nhỏ Millennials đang nắm bắt xu hướng và tiết kiệm tiền, độc lập tài chính, đốt cháy giai đoạn để nghỉ hưu sớm.
Để tiết kiệm, Sam Dogen ở chung phòng với bạn và làm việc tới 14 tiếng mỗi ngày để có bữa ăn miễn phí. Trong suốt hai năm, người đàn ông này đã ở chung với bạn học cùng cấp ba trong một căn phòng hẹp để tiết kiệm 1.000 đô tiền thuê nhà mỗi tháng. Anh đã làm việc 14 giờ để ăn bữa tối miễn phí và mang về nhà trái cây và ngũ cốc cho bữa sáng.
Sam Dogen bắt đầu làm việc tại công ty tài chính vào năm 2009. Năm 2012, anh xin nghỉ việc sau 13 năm đi làm. Hiện tại, anh dành thời gian chăm sóc con trai, viết về tài chính cá nhân và chơi tennis ở San Francisco.
Cô "J", một Blogger đã tiết kiệm tiền bằng cách mua một chiếc nhẫn đính hôn giả. Chiếc nhẫn này có giá chỉ 300 đô la nhưng ai cũng khen vì viên kim cương lấp lánh. Cô mặc nguyên một chiếc váy cưới lên máy bay thay vì trả tiền hành lý ký gửi. Hiện, J là blogger chuyên về tài chính cá nhân.
Còn Drew lại tiết kiệm tiền bằng cách chỉ ở trong căn phòng chưa tới 5m2. Anh muốn tối ưu hóa dòng tiền và kiếm được khoản lợi nhuận bằng cách sống đơn giản. Anh đã mua lại chiếc ô tô cũ bởi đây là tài sản sẽ mất giá theo thời gian và thường xuyên tốn chi phí bảo dưỡng. Nhờ vậy, anh đã tiết kiệm hơn 6.000 đô la mỗi năm.
Bryce and Kristy Shen từ chối mua nhà. Hầu hết mọi người không hiểu việc sở hữu một ngôi nhà đắt đỏ như thế nào và bị cuốn vào sai lầm tài chính tồi tệ nhất của cuộc đời. Hai người từng sống ở một trong những thành phố đắt đỏ nhất Canada, nhưng họ từ chối quyền sở hữu nhà do sợ chìm trong nợ nần. Kết quả, họ đã có một số tiền khổng lồ, cho phép được nghỉ hưu ở tuổi 31 và đi khắp thế giới.
“Hãy ngừng mua những thứ bạn không cần, chỉ để gây ấn tượng với những người mà bạn thậm chí không thích” - Suze Orman,cố vấn tài chính tại Merrill Lynch, nói.
Công thức tiết kiệm của tỷ phú
Ở góc độ các chuyên gia, việc tiết kiệm là điều nên làm và họ đã chia sẻ kinh nghiệm của mình. Như Benjamin Franklin, chính trị gia, một trong những nhà lập quốc nổi tiếng nhất của Mỹ, cho rằng, hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn. Người giàu không bao giờ trả tiền cho những gì không cần thiết. Họ rất quan tâm đến các loại lệ phí, chi phí mà họ có thể tránh được.
Theo kinh nghiệm của tỷ phú Warren Buffet, đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi chi tiêu mà hãy chi tiêu những gì còn lại sau khi tiết kiệm. Mọi người thông thường sẽ tiết kiệm sau khi đã bỏ ra các khoản chi phí cần thiết. Tuy nhiên, người giàu lại làm ngược lại, và chúng ta gọi đó là Công thức của Triệu phú.
Dựa vào thu nhập của mình, người giàu sẽ dành riêng một tỷ lệ nhất định cho cộng đồng, một tỷ lệ nhất định cho các khoản đầu tư sinh lãi, và sẽ chỉ tiêu với số tiền còn lại.
Tỷ phú người Thụy Điển Ingvar Kamprad, nhà sáng lập tập đoàn IKEA, người vẫn thường đi công tác xa bằng vé máy bay hạng phổ thông, cũng đã viết trong hồi ký của mình: “Chúng tôi không cần những chiếc xe hơi lộng lẫy, những trang phục đắt tiền, những chức danh ấn tượng hay những biểu tượng cá nhân. Chúng tôi dựa vào sức mạnh và ý chí của chúng tôi”.
Tuấn Linh