Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), với chủ đề “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”, cơ quan chức năng đã tăng cường “dẹp loạn” việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật. Dù vậy, vẫn cần đến sự thận trọng của người tiêu dùng khi tiếp cận với các sản phẩm thực phẩm chức năng.

Cán bộ Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên website và mạng xã hội.

“Mượn” danh bác sĩ lừa người tiêu dùng

Từ cuối tháng 4-2020 đến ngày 8-5-2020, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát hiện và xử lý vi phạm gần 10 sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng. Những sản phẩm này được quảng cáo trên các trang web, mạng xã hội như “thần dược” điều trị khỏi một số bệnh: Đái tháo đường, tim mạch, xương khớp, thậm chí tiêu diệt được cả vi rút SARS-CoV-2, tăng sức đề kháng của cơ thể…

Bà Nguyễn Thị Quế (65 tuổi, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) cho biết: “Tôi bị đau xương khớp trong thời gian dài, nên khi thấy một số loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng trị bệnh xương khớp rất thần kỳ (chỉ cần uống một hộp hoặc một vài viên đã có tác dụng) nên đã mua về sử dụng. Thế nhưng, uống mãi cũng không thấy tác dụng như quảng cáo”.

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, các loại thực phẩm chức năng thường thấy là thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, nhưng không phải là thuốc điều trị bệnh, không có tác dụng diệt vi rút, trị cảm cúm… Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng website, mạng xã hội quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc điều trị bệnh. Mặc dù chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu với Covid-19, nhưng một số loại thực phẩm chức năng lại quảng cáo tiêu diệt vi rút SARS-CoV-2. Thậm chí, để nâng cao uy tín cho sản phẩm, có những đơn vị quảng cáo đã “mượn” hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế, hay bệnh viện, nghệ sĩ có danh tiếng để tư vấn, quảng cáo sản phẩm cho họ.

Trên trang website chính thức của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng từng đưa ra cảnh báo về việc trên mạng xã hội (Facebook) mạo danh tên viện, sử dụng logo, hình ảnh các bác sĩ tại viện để bán các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Tiến sĩ Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng quốc gia khẳng định: "Viện không có bất cứ trang Facebook hay Fanpage nào quảng cáo hay bán các sản phẩm dinh dưỡng. Các bác sĩ của viện cũng không bao giờ gọi điện để tư vấn và bán sản phẩm dinh dưỡng cho bất kỳ ai".

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, vì lợi nhuận, các đơn vị kinh doanh sẵn sàng lừa dối cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nhiều người do tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng, từ chối sử dụng thuốc khiến bệnh ngày một nặng lên, khi tới cơ sở y tế thì việc điều trị trở nên khó khăn, vì đã bỏ qua “thời gian vàng” chữa bệnh.

Quảng cáo chữa khỏi bệnh là sai phạm

Thời gian qua, nhất là trong đợt dịch Covid-19, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, làm việc với Facebook xử lý các chủ tài khoản bán sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật. Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng vi phạm quảng cáo vẫn rất phức tạp, nhức nhối.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đã phát hiện nhiều trường hợp công bố sản phẩm trên mạng xã hội, trên các trang web không đúng sự thật. Nhưng khi mời đại diện doanh nghiệp tới để lập biên bản xử phạt thì phía doanh nghiệp phủ nhận việc quảng cáo sản phẩm nói trên, trong khi bình thường thì họ phải phản ứng nếu bị mạo danh. Để tìm căn nguyên vấn đề lại không dễ dàng. Chính vì vậy, Bộ Y tế rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành, sự hợp tác của Facebook và sự tham gia của người tiêu dùng trong quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Trước thực trạng loạn quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, khi sử dụng các thực phẩm chức năng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, người mua cần theo tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý dùng, nhất là khi sử dụng một hàm lượng cao và trong thời gian dài. Người mua chỉ thực hiện bổ sung sản phẩm dinh dưỡng có chứa vi chất sắt, kẽm, vitamin A, D, E…, nếu khẩu phần ăn không đủ các chất dinh dưỡng nói trên, hoặc khi cơ thể được chẩn đoán bị thiếu vi chất dinh dưỡng.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng chữa khỏi hẳn bệnh là hoàn toàn sai. Trước khi mua sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin về sản phẩm, như: Thành phần, công dụng, cảnh báo… trên trang web: www.vfa.gov.vn của Cục An toàn thực phẩm. Ngoài ra, khi có nghi ngờ lừa dối về sản phẩm, người tiêu dùng cần phản ánh kịp thời đến Cục An toàn thực phẩm hoặc liên hệ qua số điện thoại đường dây nóng: 0243.2321556, 0911811556 hoặc qua địa chỉ mail: tiepnhantinvipham@vfa.gov.vn để cơ quan chức năng xác minh, kịp thời xử lý vi phạm.

 


Theo Báo điện tử Hà Nội mới