Hết sữa nhiễm melamine đến sữa bị đồn có “sinh vật lạ”, có đỉa… rồi sữa nước giả sữa tươi, sữa nhập lậu tung hoành…khiến thị trường sữa trải qua nhiều phen lao đao. Mỗi lần như thế, người tiêu dùng (NTD) đều bị thiệt còn DN cũng không ít lần lộ ra những chuyện gian dối của mình. Vì thế, có lẽ đã đến lúc cần một cuộc dẹp loạn trên thị trường sữa Việt Nam.

Scandal lộ gian dối

Vào cuối năm 2008, một số loại sữa trên thị trường bị phát hiện nhiễm melamine. Ngay sau đó, Bộ Y tế xác nhận và liên tiếp công bố danh sách về các loại sữa có nhiễm melamine bán trên thị trường Việt Nam. Suốt một thời gian người tiêu dùng hoang mang, quay lưng lại với các sản phẩm sữa, còn nông dân được một phen lao, trở thành nạn nhân của cơn “ác mộng” mang tên malamine.

Qua scandal đó, đã lộ ra nhiềui DN tên tuổi sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc chất lượng thấp và có chứa độc tố melamin. Cho đến nay, dân làm sữa phải thừa nhận là sau vụ đó một DN sữa lớn nhất miền Bắc khi đó đã lụi tàn mà đến nay vẫn chưa ngoi lên được.

Cơn hoạn nạn này chưa qua, thì các DN sữa lại một lần nữa lộ mặt gian dối khi cố tình đánh lừa người tiêu dùng bằng cánh ghi sữa tươi lên nhãn sản phẩm được chế tạo từ sữa bột hoàn nguyên.

Góp mặt trong scandal này có hầu hết các tên tuổi lớn của ngành sữa Việt Nam khi đó. Dù sau đó, các DN đã tìm cách lấp liếm, giải thích và lập cả những chiến dịch PR để nhằm “đè” dư luận nhằm nhưng có một điều mà DN không bao giờ xóa được là tâm lý nghi ngờ và cảnh giác vì mất niềm tin của NTD. 


Mới đây nhất, vào tháng 9, sữa lại dính tiếp scandal có “sinh vật lạ” và bị đồn có đỉa trong sữa tiệt trùng. Đây là việc DN bị oan và họ đã được các được các nhà khoa học, các cơ quan chức năng vào cuộc rất kịp thời khẳng định sinh vật lạ không thể tồn tại trong các loại sữa được sản xuất theo công nghệ hiện đại, khép kín nhưng cũng không làm cho người tiêu dùng hết hoang mang.

Một lần nữa các DN cũng phải tự trách mình khi người dân đã mất niềm tin vào chính các nhà sản xuất, các thông tin quảng cáo và cả những đảm bảo từ cơ quan chức năng để chạy theo những tin đồn. Đơn giản, chính những nhà sản xuất đã lừa dối, kiếm lời bằng cách gây hại cho họ quá nhiều trong một thời gian dài.

Thế nhưng, “chết vẫn khong chừa” cho đến hôm nay, thị trường sữa vẫn chưa hết bất ổn do chính các DN tạo ra. Đơn cử như việc DN sản xuất thiếu minh bạch thông tin trên bao bì sản phẩm khiến phần lớn người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là sữa tươi và đâu là sữa hoàn nguyên. Và trong một thời gian dài, người tiêu dùng vẫn phải uống sữa “giả tươi” từ sữa hoàn nguyên.

Trong khi đó, trên thị trường, sữa cũng liên tục bị tấn công bởi những kẻ xấu làm giả, làm nhái. Hồi tháng 4/2012, công an TP HCM đã bắt quả tang tại một căn hộ ở chung cư Cây Mai (quận 11) đang tổ chức đóng lon làm giả nhãn hiệu sữa Friso và Abbott.

Sau đó ít lâu, Công an TP Huế tiếp tục phát hiện, tam giữ hơn 10.000 lon sữa mang nhãn hiệu Ensure được làm giả, không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc xuất xứ. Điều đáng nói là không chỉ có sữa ngoại mà ngay cả sửa nội cũng được làm giả.

Thậm chí, đại diện Công ty Hancofood cho biết Hancofood có sữa Dollac, lập tức trên thị trường có hàng nhái thêm 1 – 2 chữ vào nhãn hoặc thiết kế bao bì, liệt kê thành phần… giống hệt như sữa Dollac mà thành phần bao bì của sản phẩm nhái không đúng như công bố”.

Bên cạnh đó, nhiều loại sữa nhập lậu, sữa xách tay từ nước ngoài về không qua kiểm định vẫn vô tư quảng cáo trên các trạng mạng và bày bán tràn lan trên thị trường.

Dẹp loạn để lấy lại niềm tin

Thị trường sữa có nhiều lộn xộn trong thời gian qua là do yếu tố bên ngoài như: sữa giả, sữa nhập lậu… nhưng cũng phải nói là có một phần do chính các DN thiếu minh bạch thông tin về nguyên liệu đầu vào trên sản phẩm sữa, nhãn mác chưa rõ ràng… mập mờ, gây nhầm lẫn để kiếm lợi trên sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam hy vọng các DN không chỉ minh bạch thông tin về nguyên liệu đầu vào mà còn phải minh bạch về giá, đưa ra những sản phẩm đúng, đủ tiêu chuẩn như trên bao bì ghi để người tiêu dùng tin tưởng hơn vào các sản phẩm sữa.

Hiện nay, một phần lớn sữa nước trên thị trường là sữa tươi hoàn nguyên. Tuy nhiên, chất lượng sữa nguyên liệu nhập khẩu cũng rất khác nhau, cùng với cơ chế quản lý lỏng lẻo nên chất lượng nguyên liệu không bảo đảm. Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chỉ nhập những nguyên liệu chất lượng kém, cận đát (sắp hết hạn) để giảm tối đa giá thành và tăng lợi bởi sự chênh lệch giá giữa nguyên liệu tốt và kém chất lượng chênh nhau 10-20 lần.

Hậu quả cuối cùng là nhiều DN phải gánh chịu. Đau xót hơn, đối tượng chính là trẻ em không có cơ hội được sử dụng loại sữa nước tốt nhất là sữa tươi 100% mà phải sử dụng loại sữa hoàn nguyên khó kiểm định chất lượng này.


Sữa là sản phẩm giàu dinh dưỡng và cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Nhà sản xuất luôn cam kết không có các sản phẩm lỗi trên thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển, lưu thông, phân phối vẫn có trường hợp sữa bị hư hỏng do các điều kiện khách quan như yếu tố bên ngoài, điều kiện vận chuyển, bảo quản sử dụng… Điều này là hết sức bình thường, hoàn toàn không phải do chất lượng gây ra.

Nhưng việc đáng lo ngại, trên thị trường hiện nay có nhiều yếu tố cạnh tranh không lành mạnh gây bất lợi cho các DN sản xuất. Như tin đồn có sinh vật lạ trong sửa đã lan truyền nhanh chóng trên thị trường và gây hoang mang cho người dân.

Rà soát lại các tiêu chuẩn, qui chuẩn qui định cụ thể về các chỉ tiêu chất lượng, chỉ điểm vệ sinh, qui định đặt tên sữa tươi/sữa hoàn nguyên, ghi đối với sữa tươi nguyên chất, sữa nước hoàn nguyên…

Bởi vì, theo TCVN 7029:2002 đã có định nghĩa về "sữa hoàn nguyên". Tuy nhiên, Thông tư Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng số 30/2010/TT-BYT lại không đề cập đến "sữa hoàn nguyên" mà chỉ có khái niệm chung về các loại sữa Tiệt trùng với nội dung chưa rõ ràng khiến nhà sản xuất lợi dụng, gây hại cho NTD và các nhà sản xuất chân chính.

Trong khi đó, các DN cung phải tự bảo vệ mình bằng cách công khai, minh bạch các thông tin trên bao bì và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của các thông tin đó. DN nào vi phạm cần thu hồi giấy phép kinh doanh, xử lý hình sự… vì mức phạt hành chính hiện không đủ mạnh nên DN vẫn tiếp tục làm hàng giả, kém chất lượng khi thấy lợi nhuận cao. Đồng thời, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và lựa chọn. Điều này cũng đã được quy định rõ ràng trong Luật an toàn thực phẩm đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011 và cần phải được thực thi nghiêm túc

Đặc biệt, để dẹp loạn trên thị trường sữa nước, cơ quan chức năng cần có một cuộc kiểm tra, rà soát lại thị trường sữa, phân loại ngay tất cả các sản phẩm đủ tiêu chuẩn lưu hành và cấm bán các sản phẩm sữa không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Làm như vậy, sẽ phân loại ngay tất cả các sản phẩm sữa đủ tiêu chuẩn lưu hành và cấm bán những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Từ đó mới đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như ổn định và tạo môi trường phát triển lành mạnh cho ngành sữa ở Việt Nam.

Bảo Hân