Không đồng tình với kết luận của Thanh tra Chính phủ (ngày 31/3) về sai phạm của 5 trường đại học trong đó có Trường ĐH Luật TP HCM, trường này vừa có văn bản gửi lên Thanh tra Chính phủ, Bộ GD-ĐT làm rõ một số vấn đề trong kết luận thanh tra.
Trước đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến hoạt động đào tạo sau đại học của Trường ĐH Luật TP.HCM nêu những nội dung như: Một số học viên trúng tuyển chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác theo quy định; Một số học viên trúng tuyển không đạt yêu cầu về ngoại ngữ, các học viên đã tốt nghiệp đều không thực hiện việc làm luận văn tốt nghiệp, vi phạm điều kiện công nhận tốt nghiệp theo quy định của Bộ GD-ĐT”.
Trường ĐH Luật TP.HCM khẳng định cả hai nội dung nêu trên trong không liên quan đến bậc đào tạo thạc sĩ trong nước, mà là kết luận của Thanh tra về các lớp liên kết đào tạo thạc sĩ với nước ngoài, cụ thể là các lớp liên kết với Trường ĐH Tây Anh Quốc (Anh) và nhóm các trường đại học trong Cộng đồng Pháp ngữ. Nhưng các nội dung này cũng không phản ánh đúng thực trạng và không chính xác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, tiêu chuẩn ngoại ngữ đầu vào và đầu ra của các học viên theo học các lớp liên kết đào tạo thạc sĩ tại trường là do các trường đại học nước ngoài quy định, kiểm tra đánh giá và chấp nhận vì đây là các lớp liên kết do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng.
Về điều kiện kinh nghiệm công tác để được thi vào bậc đào tạo thạc sĩ, thì do đây là các lớp liên kết với cơ sở đào tạo nước ngoài nên quy chế đào tạo thạc sĩ hiện hành không áp dụng. Trong trường hợp nếu áp dụng Quy chế đào tạo thạc sĩ năm 2011 và Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2014 thì kinh nghiệm công tác cũng không phải là điều kiện bắt buộc.
Về việc các học viên đã tốt nghiệp đều không thực hiện việc làm luận văn tốt nghiệp, vi phạm điều kiện công nhận tốt nghiệp theo quy định của Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng các lớp liên kết đào tạo thạc sĩ của trường với các đối tác nêu trên đều được thực hiện theo các Quyết định cho phép của Bộ GD-ĐT. Theo các quyết định này, sinh viên các lớp liên kết đào tạo thạc sĩ không phải làm luận văn tốt nghiệp mà chỉ làm báo cáo tốt nghiệp. Điều này hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam về liên kết đào tạo. Trong các trường hợp liên kết đào tạo thạc sĩ tại Trường ĐH Luật TP.HCM, bằng thạc sĩ là do các trường đại học nước ngoài cấp và các trường này đều tuân thủ theo quy định pháp luật nước họ.
Về đào tạo thạc sĩ trong nước, nhà trường khẳng định tất cả quá trình đào tạo, tuyển sinh đầu vào, điều kiện ngoại ngữ, làm luận văn tốt nghiệp và điều kiện tốt nghiệp, đều thực hiện rất nghiêm túc và được xã hội đánh giá là một trong số rất ít cơ sở đào tạo thạc sĩ luật có chất lượng, uy tín.
Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết trước đó đã nhiều lần có giải trình cho Đoàn Thanh tra, nhưng kết luận thanh tra đã không phản ánh đúng thực tế, những nội dung trong kết luận gây ảnh hưởng đến uy tín, gây nghi ngờ về chất lượng đào tạo của nhà trường cũng như của các học viên đã và đang theo học bậc đào tạo sau đại học tại trường… Vì vậy, nhà trường tiếp tục có các giải trình và kiến nghị bỏ các kết luận trên đây ra khỏi kết luận thanh tra.
Trước đó ( ngày 31/3) Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm Bộ GD-ĐT, ĐH Huế, HV Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong việc tổ chức và thực hiện Nghị định số 43 của Chính phủ. Theo kết luận này, cả 5 trường đại học trong đó có Trường ĐH Luật TP.HCM vi phạm nhiều nội dung như thu vượt quy định, đào tạo vượt chỉ tiêu, học viên trúng tuyển không đạt yêu cầu….
Lê Huyền