Máy phát hiện thiết bị công nghệ cao gian lận trong thi cử là sản phẩm đề tài cơ sở trọng điểm của ĐH Tây Nguyên, được khoa Khoa học Tự nhiên và Công nghệ thực hiện.
Cán bộ lên ý tưởng là anh Tôn Thất Trường Nam - kỹ thuật viên bộ môn Vật lý và các giảng viên bộ môn Vật lý khoa hỗ trợ.
Theo anh Nam, nhiều sinh sử dụng thiết bị gian lận cao như: Thiết bị kết nối điện thoại với vòng dây, thiết bị tích hợp điện thoại và vòng dây, thiết bị sử dụng kết nối bluetooth…
Anh Nam (giữa) trình bày về máy chống gian lận của đơn vị. Ảnh: Minh Lộc. |
“Những thiết bị này được thiết kế nhỏ gọn như máy nghe nhạc hoặc ngụy trang giống thẻ ATM. Máy được kết nối với tai nghe có kích thức siêu nhỏ, tai nghe nam châm chỉ bằng hạt đậu, nên rất khó phát hiện”, anh Nam nói.
“Các thiết bị này dùng sóng vô tuyến truyền thông tin, hình ảnh của đề thi ra ngoài cho người hỗ trợ giải. Điện thoại được cài đặt chế độ tự động bắt máy khi có cuộc gọi đến. Từ những thông tin này, chúng tôi nghiên cứu máy phát hiện thí sinh gian lận”, anh Nam cho hay.
Theo cán bộ này, máy chống gian lận có thể phát hiện tín hiệu âm thanh phát ra từ các thiết bị công nghệ cao với khoảng cách 8 m.
Giám thị xách máy đi dọc hành lang phòng thi hoặc đi dọc giữa các dãy bàn. Nếu có thiết bị gian lận, máy sẽ truyền tín hiệu; càng đến gần nơi phát ra âm thanh, nó kêu càng to.
“Sau 3 năm phát triển, máy được cải tiến qua 7 phiên bản. Hiện tại, thiết bị có cấu trúc gọn như chiếc laptop, nặng 400 g, được sử dụng bằng pin tiện dụng”, anh Nam nói thêm.
Các thiết bị điện tử thí sinh sử dụng để gian lận được trường phát hiện. Ảnh: Minh Lộc. |
Theo TS Nguyễn Thanh Tân, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (ĐH Tây Nguyên), cho biết tháng 12/2018, đề tài về máy chống gian lận đã bảo vệ thành công trước hội đồng nghiệm thu nhà trường.
“Từ khi có máy chống gian lận trong thi cử, nhà trường phát hiện, lập biên bản hơn 60 vụ thí sinh gian lận. Đến nay, số lượng thí sinh gian lận đã giảm rõ rệt, chỉ còn những trường hợp cá biệt”, thầy Tân cho hay.