Tăng nhân viên giao hàng đã tiêm vắc xin
Thông tin với PV. VietNamNet, VinCommerce cho biết, hàng nghìn đơn hàng online “đi chợ hộ” đang tồn đọng và lượng đơn đặt mới tiếp tục tăng mạnh tại các hệ thống phân phối. Số lượng nhân viên được cấp giấy của đơn vị này (30%) còn quá nhỏ để đáp ứng nhu cầu.
Đại diện VinCommerce đề xuất nên bổ sung nhân viên bán hàng đã được tiêm vắc xin và test định kì Covid-19 vào lực lượng giao hàng. Đơn vị sẽ ưu tiên lựa chọn những người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin. Điều này đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đồng thời góp phần giảm tải áp lực cho lực lượng quân đội cũng như đội ngũ “đi chợ hộ” ở phường, giúp người dân mua sắm thuận tiện hơn.
Các hệ thống phân phối kiến nghị nên bổ sung giấy đi đường cho nhân viên siêu thị |
“Chúng tôi mong Sở Công Thương và Công an TP.HCM xem xét, đẩy nhanh việc cấp bổ sung giấy đi đường cho nhân viên hệ thống bán lẻ, để kịp thời cung cấp hàng hóa đến nhân dân”, bà Nguyễn Thị Phương - Phó TGĐ thường trực VinCommerce, kiến nghị.
Đồng quan điểm, đại diện MM Mega Market cho rằng, nếu có thể nên tăng số lượng nhân viên siêu thị tại các hệ thống phân phối để đẩy nhanh tốc độ phân chia combo, xử lý đơn hàng.
Sau gần 5 ngày thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường, đơn hàng đặt từ các đơn vị này tăng đều đặn. Nhưng do nguồn nhân lực hạn chế, nhà phân phối chỉ biết cố gắng xử lý đơn hàng sớm nhất có thể cho người dân trong tình thế eo hẹp về nhân lực.
Việc thực hiện chỉ đạo của UBND TP về hạn chế lượng nhân viên được cấp giấy phép đi đường đã ảnh hưởng khá nhiều đến nguồn nhân lực vận hành các công việc cần thiết tại siêu thị, dẫn đến việc không đảm bảo số lượng và thời gian giao hàng. Từ đó, tác động trực tiếp đến quá trình cung ứng thực phẩm cho người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra việc đảm bảo cung ứng thực phẩm tại một siêu thị ở TP.HCM ngày 26/8 |
Tận dụng hạ tầng công nghệ giúp “đi chợ hộ”
Liên quan đến giải pháp gỡ khó cho “đi chợ hộ”, Công ty TNHH Grab Việt Nam cũng đã gửi văn bản về việc cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng Grab để hỗ trợ lực lượng chức năng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân tại các vùng cam và vùng đỏ trên địa bàn TP.
Trước mắt, Grab đề xuất triển khai tại các địa bàn: quận 8, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và TP. Thủ Đức.
Theo đó, người dân dùng ứng dụng đặt hàng tại các đơn vị phân phối hàng hóa trong khu vực đang sinh sống. Để kết nối với người dùng, các đơn vị phân phối sẽ tạo lập một gian hàng trực tuyến trên ứng dụng Grab. Gian hàng sẽ hiển thị các mặt hàng có sẵn, cập nhật theo từng thời điểm. Hàng hóa sẽ được sắp xếp theo dạng đơn lẻ hoặc theo gói combo và giao khi người “đi chợ hộ” tới nhận.
Đối với lực lượng đi chợ hộ, mỗi tổ công tác ở địa phương tạo lập một tài khoản người đi chợ, bao gồm tên. Ví dụ, Tổ công tác đặc biệt phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức, số điện thoại liên hệ, email, tài khoản ngân hàng.
Khi người dân tiến hành đặt hàng trên ứng dụng, người đi chợ hộ sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng Grab và đến đơn vị cung ứng hàng hóa để nhận hàng, giao cho người đặt theo đúng địa chỉ. Mỗi người đi chợ thay có thể nhận và giao nhiều đơn hàng trong cùng một chuyến.
Việc ứng dụng hạ tầng công nghệ, có lẽ sẽ giúp “đi chợ hộ” nhanh chóng hơn |
Về phương thức thanh toán, rất thuận tiện nếu người dân không dùng tiền mặt, chuyển khoản thẳng cho hệ thống phân phối. Nếu người dân trả bằng tiền mặt, người “đi chợ hộ” có thể tạm ứng tiền và sẽ thu lại của người dân theo biên lai hiện trên ứng dụng khi giao hàng.
Theo dữ liệu của DN, các khu vực đề xuất triển khai có khoảng 1,9 triệu người dùng và hơn 3.500 đơn vị bán lẻ đang hoạt động trên ứng dụng Grab. Do vậy, việc tận dụng hạ tầng ứng dụng sẽ tiết kiệm thời gian, công sức của lực lượng đi chợ thay. Cơ quan chức năng cũng có dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý (số lượng hàng hóa, tần suất giao dịch, truy vết,... ). Việc giao dịch của người dân được nhanh chóng, thuận tiện và hệ thống phân phối sẽ tiết kiệm thời gian, cũng như dễ kết nối hơn với người tiêu dùng.
Ngoài Grab, Central Retail Việt Nam cũng đề xuất chia sẻ hạ tầng kỹ thuật để hỗ trợ bài toán “đi chợ hộ”. Đại diện của Aeon Việt Nam đánh giá, phương án tận dụng hạ tầng công nghệ sẽ góp phần gỡ khó cho địa phương cũng như người dân dễ dàng hơn trong việc quản lý thông tin mua hàng, giao hàng và thanh toán.
Liên quan đến đề xuất từ Grab, tối ngày 27/8, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức - ông Hoàng Tùng - cho biết, địa phương sẽ phối hợp cùng Grab để đi chợ và mua giúp hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân. Như vậy, TP. Thủ Đức là đơn vị đầu tiên có hồi đáp về hỗ trợ từ phía DN.
“Người mua cần cài đặt ứng dụng, đặt hàng các gói theo nhu cầu tại các siêu thị, cửa hàng trong địa bàn cư trú, đại diện UBND phường sẽ giao hàng đến tận nhà cho mọi người. Chương trình sẽ bắt đầu triển khai từ 17h ngày 28/8”, ông Tùng chia sẻ.
Quảng Định
Phường mở web 'Đi chợ giúp dân', chung cư lập tổ phản ứng nhanh
Sự sáng tạo, tích cực đến từ chính quyền cơ sở, khu dân cư và các đơn vị phân phối đã góp phần đẩy nhanh tốc độ “đi chợ hộ”, đảm bảo nhu cầu lương thực cho người dân TP.HCM.