Quy định niêm yết giá đã được ban hành từ năm 2007 nhưng ở hầu hết các chợ truyền thống... không ai thực hiện. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc "chặt", "chém" hay ép khách hàng. Đối với nhiều người hiện nay, đi chợ "vừa sợ vừa run".

TIN BÀI KHÁC:


Chặt, chém "thượng đế"

Tại Hà Nội, có thể điểm mặt rất nhiều khu chợ nổi tiếng “chặt, chém” khách: Đồng Xuân, Hôm - Đức Viên, Mơ... nhưng “tai tiếng” nhất vẫn là chợ Ngã Tư Sở. Với những chị em yếu bóng vía, vào một lần không dám quay lại. Nguyễn Thanh Tâm (sinh viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) kể: “Có lần, tôi mua giày ở chợ Ngã Tư Sở. Vừa gặp khách, cô bán hàng đã đon đả mời chào, giới thiệu hàng xịn rồi “hét” giá 500.000 đồng/đôi. Thấy đắt, tôi bỏ qua hàng khác, ngay lập tức, cô ta thay đổi thái độ, lên giọng “chợ búa”, tay châm lửa “đốt vía” ép phải mua. Không muốn dây dưa, chị em tôi đành phải mua với giá 200.000 đồng/đôi. Vừa bị mất tiền, vừa bị đối xử chẳng ra gì. Đi chợ mà phải căng thẳng thần kinh, đấu trí với người bán hàng thì thà mua ở siêu thị đắt, nhưng ít ra còn được thư giãn và tôn trọng”.


Khách hàng rất sợ mặc cả khi đi chợ - Ảnh: D.Đ.Minh


Kiểu hành xử “côn đồ” của nhiều nhân viên bán hàng, có thể gặp bất cứ nơi đâu tại các chợ ở Hà Nội. Các nhân viên bán hàng thường “bắt nạt” sinh viên, người ngoại tỉnh và nhất là khách du lịch. Không ít khách du lịch đến Hà Nội ngán ngẩm không dám đi mua hàng một mình nếu không có bạn bè hoặc hướng dẫn viên đi cùng. Anh Bùi Minh Giang (hướng dẫn viên du lịch) bức xúc: “Tại chợ đêm Đồng Xuân, tôi và một người bạn nước ngoài tận mắt chứng kiến hai người bán hàng xông vào túm tóc, tạt tai một cô gái trẻ chỉ vì “dám” trả giá rẻ. Anh bạn đi cùng rất phẫn nộ, còn tôi buồn và xấu hổ vì cách hành xử thiếu văn hóa của những người bán hàng".

''Đi chợ mà phải căng thẳng thần kinh, đấu trí với người bán hàng thì thà mua ở siêu thị đắt, nhưng ít ra còn được thư giãn và tôn trọng'' - Một khách hàng

Đáng sợ đến mức, nhiều người khi đi chợ phải tránh đi vào buổi sáng, hạn chế đi vào những ngày đầu tháng, ngày rằm vì sợ người bán hàng cho “ăn chửi” với đủ thứ bậy bạ trên đời. Ông Nguyễn Đức Hải, Phó ban quản lý (BQL) chợ Ngã Tư Sở thừa nhận, những năm trước, chuyện mắng chửi khách xảy ra thường xuyên. Gần đây, hiện tượng này có giảm, nhưng vẫn có những trường hợp BQL phải đứng ra giải quyết. Thậm chí, có vụ hành hung khách, công an phải vào cuộc. “Thực ra, nhận thức của những người bán hàng không đồng đều, ý thức, nhận thức kém cộng với việc buôn bán ở chợ ế ẩm nên mới xảy ra những cuộc cãi vã giữa người bán và người mua”, ông Hải nói.

Không niêm yết vì... ế ?


Theo bà Mai Thu Hà, Phó BQL chợ Ngã Tư Sở, việc niêm yết giá đã có quy định từ lâu. Thực hiện văn minh thương mại, BQL cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở, kèm theo bảng nội quy dán công khai. Nhưng các tiểu thương kêu hàng niêm yết, bán không được. Xét thấy chợ ế ẩm, vắng khách nên BQL cũng chỉ nhắc nhở không xử phạt. Một tiểu thương bán vải tại chợ Hôm - Đức Viên trần tình: “Nếu hàng hóa bán chạy, chúng tôi sẵn sàng niêm yết giá. Nhưng với tình hình buôn bán ế ẩm như hiện nay, có khi ngồi cả ngày không có khách vào mua hàng. Trong khi tiền chỗ ngồi, tiền thuế, vệ sinh, bảo vệ… vẫn phải đóng, điều đó buộc chúng tôi phải nói thách để bù lại”.

Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, những lý do đưa ra chỉ là ngụy biện. Những mặt hàng như vải vóc, quần áo, giày dép, hàng gia dụng… rất dễ thực hiện niêm yết giá. Chủ trương đề ra hoàn toàn đúng đắn, nhưng nhiều nơi chỉ "phát" chứ không động. Lỗi này trước hết là từ BQL chợ và lực lượng quản lý thị trường không có sự kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở, buông lỏng quản lý, dần dần những quy định bị lãng quên. Với cung cách bán hàng “chặt, chém” và cách hành xử thiếu văn hóa như nói trên, chợ ngày càng mất dẫn chỗ đứng khi người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó chi cục trưởng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, ngoài Chỉ thị 02 của Bộ Công thương, mới đây Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho lực lượng QLTT thực hiện đảm bảo giá thị trường, kiểm tra niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại và một số cửa hàng trên các tuyến phố thực hiện việc này rất nghiêm túc. Còn đối với các chợ truyền thống, do quy mô, đối tượng hoạt động khác nhau, việc quản lý chưa chặt chẽ nên vẫn xảy ra tình trạng nhiều hộ kinh doanh không chấp hành tốt quy định niêm yết đúng giá. QLTT chủ yếu nhắc nhở là chính chứ không xử phạt. Theo quan điểm của ông Bảo, những chợ “vồ”, chợ “cóc” có thể khó quản lý, nhưng tới đây, với những chợ lớn sẽ chuyển đổi mô hình thành trung tâm thương mại, thì chắc chắn phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Về tình trạng ép khách, ông Nguyễn Đức Hải, Phó BQL chợ Ngã Tư Sở cho rằng, với những hộ kinh doanh vi phạm, BQL chỉ có thể niêm phong quầy, dừng kinh doanh tối đa 1 tuần, yêu cầu ký cam kết không tái phạm. Chế tài xử phạt hành chính với những hành vi ép khách, hành hung khách theo quy định chỉ phải nộp phạt 200.000 đồng, quá nhẹ nên không đủ sức răn đe. Vì vậy, cần nâng mức xử phạt lên cao hơn nữa để hạn chế tối đa tình trạng này.

Văn hóa chợ truyền thống đang cần một sự lột xác thật sự mà bắt đầu bằng việc thực hiện nghiêm túc quy định niêm yết giá bán như Chính phủ và Bộ Công thương đã đề ra.

(Theo Thanh niên)