Từ sau năm 1990 đã xuất hiện tình trạng dân di cư tự do với số lượng lớn, có hàng chục nghìn hộ dân từ nhiều tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc đã di cư đến các tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương khác với nhiều thành phần dân tộc khác nhau (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Thái, Mường, ...) và tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Tây Nguyên. Giai đoạn 1996 - 2000 có khoảng 18.000 hộ di cư/năm, sang giai đoạn 2005-2014 là khoảng từ 4.000 đến 5.000 hộ dân di cư tự do/năm.
Dân DCTD đến các tỉnh Tây Nguyên do nhiều nguyên nhân, trong đó, chủ yếu là: đời sống khó khăn (hộ đông nhân khẩu, nghèo đói, thiếu đất sản xuất); điều kiện tự nhiên, khí hậu tại nơi ở cũ khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai; so với các tỉnh khác, mật độ dân số ở các tỉnh Tây Nguyên còn thấp, đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho cư trú và sản xuất nông nghiệp; các hộ đã di cư vào Tây Nguyên trước đây đều có cuộc sống ổn định, phát triển đã gián tiếp tạo sự thúc đẩy quá trình di cư, nhất là trong quan hệ gia đình, dòng tộc...
Dân DCTD vào Tây Nguyên làm gia tăng dân số, góp phần hình thành, phát triển các khu dân cư, vùng sản xuất mới; góp phần điều tiết mật độ dân số, sức ép việc làm tại các tỉnh có dân đi, dân đến; góp phần bổ sung nguồn nhân lực (đa số là lao động trẻ). Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, mở rộng diện tích, sản lượng sản xuất nông nghiệp. Thúc đẩy quá trình hòa nhập, phát triển cho các dân tộc tại chỗ; bổ sung thêm bản sắc văn hóa từ sự có mặt của một số thành phần dân tộc từ các địa phương khác đến khu vực Tây Nguyên; góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng trong khu vực, nhất là vùng biên giới...
Tuy nhiên, DCTD đã mang đến những hệ lụy, tác động tiêu cực. Rừng bị tàn phá nghiêm trọng (chủ yếu là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng vùng lõi các vườn quốc gia); đa dạng sinh học bị phá vỡ, nhiều loại thực vật, động vật quý hiếm bị xâm hại; môi trường sinh thái bị tác động, biến đổi, gây ra các hiện tượng thiên tai mới ở Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (hạn hán, lũ quét, sạt lở).
Dân cư tăng mạnh, liên tục trong nhiều năm làm vỡ quy hoạch, kế hoạch sắp xếp dân cư, sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội; nảy sinh nhiều khó khăn trong quản lý hành chính, dân cư, sử dụng đất, bảo vệ phát triển rừng và môi trường, ổn định đời sống, phát triển sản xuất của các tỉnh Tây Nguyên.
Mặc dù, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và các giải pháp khác nhau để giải quyết tình trạng dân di cư tự do, nhưng tình hình vẫn tiếp tục diễn ra khá phức tạp. Trong thực tế các dòng di cư (ngoại tỉnh và nội tỉnh) ở vùng miền núi và trung du, nhất là di cư từ các tỉnh miền núi phía bắc vào Tây Nguyên tuy có giảm nhưng vẫn tiếp tục xảy ra. Hàng chục nghìn hộ dân sau di cư, chưa được cấp sổ hộ khẩu, nhà ở tạm bợ, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Tranh chấp đất đai, phá rừng diễn ra phức tạp giữa người dân sở tại với người dân di cư, nguy cơ phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự xã hội rất cao. Chính vì vậy, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 113/2015/NQ13 ngày 27/11/2015 về “Tập trung giải quyết cơ bản tình hình dân di cư tự do đến các vùng miền núi và trung du” là cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng di cư tự do ở miền núi và trung du, tiến tới cơ bản chấm dứt tình trạng phức tạp này ở các năm tiếp theo.
Sau khi Nghị quyết số 113/2015/NQ13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội được ban hành, với mục tiêu tập trung giải quyết cơ bản tình hình dân di cư tự do đến các vùng miền núi và trung du, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương đã rất quan tâm và tập trung nguồn lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bố trí, sắp xếp ổn định đời sống cho người dân di cư tự do trên phạm vi cả nước nói chung và vùng miền núi và trung du nói riêng.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt được nhiều kết quả tích cực, tình trạng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên đã giảm mạnh trong những năm gần đây, cả giai đoạn 2015-2020 chỉ còn 3.307 hộ di cư tự do (Miền núi phía Bắc là 1.267 hộ và Tây Nguyên là 2.040 hộ), trung bình mỗi năm có khoảng 550 hộ di cư tự do (cụ thể: năm 2015 là 965 hộ, năm 2016 là 401 hộ, năm 2017 là 318 hộ, năm 2018 là 238 hộ, năm 2019 là 104 hộ và và 9 tháng đầu năm 2020 là 14 hộ: Gia Lai: 5 hộ, 16 khẩu; Đắk Lắk: 9 hộ, 45 khẩu). Như vậy, trong giai đoạn 2015-2020, tình trạng dân di cư tự do đã giảm đến trên 10 lần so với các năm giai đoạn trước năm 2015. Nhiều huyện, xã ở các tỉnh Tây Nguyên trước đây là các điểm nóng về dân di cư tự do thì vài năm trở lại đây đã không còn dân di cư mới đến. Đa số các hộ chưa được bố trí sắp xếp ổn định tại 2 vùng này đều là các hộ dân di cư đến từ giai đoạn trước năm 2015.
Huyện Mường Nhé của tỉnh Điên Biên, năm 2011 là một điểm nóng. Hàng ngàn hộ dân từ các địa phương khác nhau ở Miền núi phía Bắc nghe theo sự xúi giục của kẻ xấu, mê tín dị đoan đã kéo về đây gây nên tình trạng mất trật tự an ninh xã hội. Nhưng, giai đoạn 2015 - 2020, tình hình an ninh trật xã hội và đời sống sản xuất của người dân Mường Nhé đã ổn định và phát triển.
Song song với việc thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng dân di cư tự do, nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện việc bố trí, sắp xếp ổn định các hộ dân di cư tự do vào các điểm dân cư để người dân sớm ổn định cuộc sống đã được triển khai và đi vào cuộc sống. Giai đoạn 2015-2020, các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã bố trí, sắp xếp ổn định được 6.566 hộ (trong đó: bố trí tập trung là 2.907 hộ, xen ghép là 283 hộ, ổn định tại chỗ là 3.376 hộ), các hộ được bố trí vào điểm dân cư được giao đất ở bình quân từ 350-450 m2/hộ và đất sản xuất bình quân từ 1,0-1,2ha/hộ.
Sau khi Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội được ban hành, đến nay tình trạng dân di cư tự do đã cơ bản được giải quyết, giai đoạn 2015-2020 đã có hàng nghìn hộ dân di cư tự do với hàng chục nghìn nhân khẩu được bố trí, sắp xếp ổn định vào các điểm dân cư theo quy hoạch. Chấm dứt tình trạng di cư ồ ạt từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên và không phát sinh các điểm nóng mất trật tự an ninh xã hội như các giai đoạn trước đây.
Đức Yên, Ánh Tuyết, Đinh Bạt Tuấn