Được thành lập từ đầu năm 2021, đến nay, câu lạc bộ Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ đã có 300 hội viên. Tham gia luyện tập, trình diễn các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc là niềm vui cũng như sự tự hào về truyền thống dân tộc của những bà con người Dao ở đây. Câu lạc bộ là một điểm sáng trong hoạt động bảo tồn văn hóa người Dao ở cơ sở.
Cũng như cộng đồng người Dao ở xã Hợp Tiến, cộng đồng dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh trong những năm qua cũng đã thành lập nhiều câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, đặc biệt là bảo tồn làn điệu Soọng Cô và các nghi lễ tín ngưỡng. Đến nay, người Sán Dìu ở Thái Nguyên đã có 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là nghi lễ cấp sắc Đại Phan và dân ca Soọng Cô.
Thái Nguyên chú trọng xây dựng mô hình bảo tồn giá trị của các cộng đồng DTTS |
Số lượng người dân tộc Sán Dìu ở Thái Nguyên đông nhất so với các tỉnh thành trong cả nước, khoảng 5 vạn người chiếm khoảng 30%. Bà con sinh sống tập trung thành cộng đồng ở các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, Đại Từ, Phú Lương, thị xã Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời kỳ hội nhập, nhiều giá trị văn hóa bị mai một, nhất là về ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán, đặc biệt là trong thế hệ trẻ dân tộc Sán Dìu.
Để tăng cường và thống nhất các hoạt động bảo tồn, sau một thời gian dài chuẩn bị, được sự cho phép của UBND tỉnh Thái Nguyên, những nghệ nhân và bà con Sán Dìu đã tổ chức đại hội thành lập Hội bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên. Tổ chức hội là tập hợp những người có kiến thức về văn hóa dân tộc, nhiệt tình tham gia hoạt động bảo tồn.
Cùng với các hoạt động bảo tồn ngay trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, trong thời gian qua, các cấp ngành tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều đề án, chương trình nhằm hỗ trợ khôi phục các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tôn vinh các hạt nhân, nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn. Tiêu biểu trong số các giải pháp này là hoạt động xây dựng mô hình, mẫu hình làng bản văn hóa ở cơ sở.
Theo đó, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã liên tục tổ chức các mô hình này, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục những làn điệu dân ca, dân vũ, các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2021, Trung tâm thực hiện 5 mô hình ở các xóm bản có đông đồng bào Tày, Nùng, đồng bào Dao sinh sống.
Cùng với xây dựng mô hình văn hóa, đến nay, ngành văn hóa Thái Nguyên đã kiểm kê, lập danh mục lập danh mục theo quy định pháp luật được 550 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, có 17 di sản tiêu biểu, đặc sắc đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên đã được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2019.
Giai đoạn 2021 – 2025 , tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động quản lý, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh”. Việc triển khai Đề án sẽ góp phần đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa.
Hồng Liên
Ảnh: Hoàng Hiệp
Thực hiện Video: Thúy Tình, Lệ Yên, Duy Tiến
Ảnh 360 - Dân tộc Sán Dìu